Theo UBND quận 6, nhằm giải quyết tiêu thoát nước cũng như chống ngập và chỉnh trang đô thị, địa phương đã chủ trương thực hiện dự án kênh Hàng Bàng từ đường Lò Gốm đến Bình Tiên (giai đoạn 1) và đoạn từ Phạm Đình Hổ đến kênh Vạn Tượng (giai đoạn 2). Dự án nhằm tái hiện hình ảnh trên bến dưới thuyền cho khu chợ Bình Tây, khu thương mại sầm uất của thành phố.
Trước đó, trong các buổi đối thoại trực tiếp của lãnh đạo quận với người dân, các cử tri thường xuyên kiến nghị mở lại kênh Hàng Bàng để toàn bộ tuyến kênh được đầu tư đồng bộ. Nguyên nhân là do hệ thống thoát nước hiện hữu ở đoạn kênh được đầu tư từ năm 2001 đến nay đã xuống cấp, không đảm bảo khả năng tiêu thoát cho khu vực.
Toàn bộ tuyến kênh Hàng Bàng chạy từ rạch Lò Gốm (quận 6) đến kênh Vạn Tượng (quận 5) dài khoảng 1.400 m. Nhưng hiện hai đầu đoạn kênh chỉ còn là mương thoát nước thải rộng 2-3 m của khu dân cư. Riêng đoạn giữa dài hơn 600 m bị lấp đặt cống hộp từ năm 1999-2000. Nhiều chuyên gia đánh giá, việc thu hẹp dòng chảy kênh Hàng Bàng khiến khu vực quận 6 bị ngập úng.
Theo dự án, kênh Hàng Bàng được đào rộng 11 m như ban đầu, kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng. Để đào lại kênh, gần 950 hộ dân ở dọc hai bên dòng kênh sẽ bị giải tỏa trắng. Dự kiến đến năm 2020 dự án sẽ hoàn thiện.
Nguồn: VNExpress
-----------------------------------------
Chợt thấy thắc mắc một điều, 15 năm trước khi quyết định lấp con kênh ai đã ký quyết định, những ai đã kiến nghị, những chuyên gia nào đề xuất lấp? Bây giờ 15 năm sau lại phải đào lên. Những vấn đề liên quan đến quy hoạch tổng thể như đô thị, cây xanh, đường xá, cấp thóat nước... ảnh hưởng rất lớn đến dân sinh. Thế nhưng cũng như vụ đòi lấn sông Đồng Nai, chỉ nghe báo cáo sẽ thu lợi được bao nhiêu diện tích đất, xây cái gì lên, bán như thế nào... Nhưng những ý kiến như thay đổi dòng chảy, làm hẹp dòng chảy, thay đổi môi trường sinh thái... ít nghe bàn luận tới. Nếu phát triển đô thị mà không chú trọng sự tương quan với môi trường chắc chắn sẽ làm phát sinh nhiều hệ lụy. Đường xá cũng thế, hôm nay cho con đường này thành một chiều, ngày mai thấy không ổn lại cho thành hai chiều. Đành rằng làm gì thì thực tiễn và lý thuyết cũng có sự chênh lệch nhưng đâu có nghĩa cứ làm đại rồi khắc phục và rút kinh nghiệm mãi