Trong quá trình lao động, người lao động được hưởng những quyền lợi của mình theo quy định của Bộ luật Lao động. Trong đó có việc NLĐ sẽ được hưởng nguyên lương ngày lễ. Tuy nhiên, nếu là người đang thử việc thì điều này có áp dụng được hay không? Vướng mắc đặt ra là Liệu người đang thử việc có được hưởng nguyên lương ngày lễ hay không?
Thử việc là gì?
Thử việc là sự thỏa thuận tự nguyện giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Đây là quá trình diễn ra trong một khoảng thời gian nhằm đánh giá năng lực, trình độ, ý thức, các điều kiện lao động giữa hai bên,… trước khi quyết định có ký hợp đồng lao động chính thức hay không.
Theo đó căn cứ tại Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 thì NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
Như vậy, thử việc không mang tính bắt buộc mà chỉ dựa trên nhu cầu của NSDLĐ và NLĐ.
Pháp luật quy định về thời gian thử việc như thế nào?
Căn cứ tại Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 quy định rằng:
NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
Không áp dụng thử việc đối với NLĐ giao kết HĐLĐ có thời hạn dưới 01 tháng.
Về thời gian thử việc của NLĐ cũng được quy định rõ ràng:
NSDLĐ và NLĐ khi ký kết HĐLĐ sẽ tự thỏa thuận thời gian thử việc. Tuy nhiên thời gian thử việc sẽ phải tuân theo nguyên tắc được quy định tại Điều 25 Bộ luật lao động 2019.
Theo đó, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.
Trường hợp NLĐ đã có kinh nghiệm và lành nghề, hai bên có thể trực tiếp ký HĐLĐ mà không cần thử việc.
Trong thời gian thử việc, NLĐ có được hưởng lương ngày lễ?
Theo Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, vào các dịp lễ, Tết sau đây, NLĐ trên cả nước sẽ được nghỉ làm và hưởng nguyên lương:
- Tết Dương lịch: Nghỉ 01 ngày (ngày 01/01 dương lịch).
- Tết Âm lịch: Nghỉ 05 ngày.
- Ngày Chiến thắng: Nghỉ 01 ngày (ngày 30/4 dương lịch).
- Ngày Quốc tế lao động: Nghỉ 01 ngày (ngày 01/5 dương lịch).
- Ngày Quốc khánh: Nghỉ 02 ngày (ngày 02/9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau).
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: Nghỉ 01 ngày (ngày 10/3 âm lịch).
Như vậy, vào dịp nghỉ lễ, NLĐ thử việc cũng sẽ được trả nguyên lương của ngày làm việc bình thường.
Trong khi đó, Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương trong thời gian thử việc như sau:
Tiền lương của NLĐ trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Như vậy, trong các ngày lễ, NLĐ thử việc sẽ được nhận ít nhất 85% mức lương chính thức của công việc đang làm.
Không trả lương ngày lễ cho lao động thử việc, doanh nghiệp có bị phạt?
Như đã phân tích, NLĐ thử việc cũng được hưởng nguyên lương khi nghỉ lễ. Nếu không đảm bảo bảo quyền lợi này cho NLĐ, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với NSDLĐ có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.
Theo đó, nếu không trả lương ngày lễ cho nhân viên thử việc, NSDLĐ là cá nhân sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng, còn tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Lúc này, để nhận được đủ tiền lương ngày lễ, NLĐ có thể thực hiện thủ tục tố cáo tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Trong quá trình giải quyết, nếu xác minh được hành vi vi phạm của doanh nghiệp, thanh tra lao động sẽ tiến hành xử phạt hành chính và yêu cầu doanh nghiệp thanh toán đầy đủ quyền lợi cho NLĐ thử việc.