Để đảm bảo sức khỏe cho lao động nữ vừa mang thai vừa phải làm việc thì pháp luật đã có quy định giảm giờ 01 giờ làm việc hằng ngày trong một số trường hợp nhất định. Vậy nếu lao động nữ mang thai muốn làm thêm giờ thì có được không?
Điều kiện sử dụng người lao động làm thêm giờ
Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
(1) Phải được sự đồng ý của người lao động;
(2) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
(3) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019.
Theo đó, khi tổ chức làm thêm giờ thì bắt buộc phải nhận được sự đồng ý của người lao động về các nội dung như thời gian làm thêm, địa điểm làm thêm, công việc làm thêm trừ các trường hợp làm thêm giờ tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019 người lao động không được từ chối làm thêm giờ:
- Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Lao động nữ mang thai có được làm thêm giờ?
Căn cứ Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:
- Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
- Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
Có thể thấy, nếu người lao động mang thai dưới 07 tháng hoặc dưới 06 tháng (nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) vẫn có thể làm thêm giờ như bình thường khi đáp ứng 03 điều kiện trên.
Tuy nhiên, khi người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 (nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) thì dù người lao động tự nguyện, có mong muốn việc ban đêm hay làm thêm giờ thì Công ty cũng không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ.
Đối với vấn đề này, tại Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP cũng nêu rõ về việc vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:
- Sử dụng người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa;
- Sử dụng người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.
Từ tất cả những quy định nêu trên, lao động nữ mang thai vẫn có thể làm thêm giờ, trừ khi mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.