Như các bạn đã biết hiện nay, việc rác thải, ô nhiễm môi trường là một vấn đề rất là đau đầu và cũng là vấn đề quan tâm của nhà nước, nhân dân. Việc vứt rác bừa bãi của người dân khiến cho tình trạng ô nhiễm xảy ra càng trầm trọng hơn. Rác thải là sản phẩm tất yếu của cuộc sống được thải ra từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác như khám chữa bệnh, vui chơi giải trí của con người. Cùng với mức sống của nhân dân ngày càng được nâng cao và công cuộc công nghiệp hoá ngày càng phát triển sâu rộng, rác thải cũng được tạo ra ngày càng nhiều với những thành phần ngày càng phức tạp và đa dạng. Xử lý rác thải đã và đang trở thành một vấn đề nóng bỏng ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Hiện tại, đã có văn bản xử phạt việc vứt rác thải sinh hoạt trái quy định của pháp luật, cụ thể tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Điều 20. Vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường
1. Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;
d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.
Tuy nhiên, hiện tại mình đi đường thấy rất nhiều người thực hiện hành vi vứt rác thải sinh hoạt và có hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định nhưng không thể nào xử phạt được vì không có người lập biên bản và xử phạt, khi đến xử phạt thì không thể lấy căn cứ hoặc nhân chứng đâu ra để xử phạt đối với hành vi này, vậy quy định này làm thế nào để thực hiện trên thực tế và đã tiến hành xử phạt khi vứt rác bừa bãi chưa? Nếu để quy định này thực hiện một cách hiệu quả thì phải làm như thế nào? Mời các bạn cho ý kiến?