Độc giả hỏi:
Luật sư cho e hỏi: Gia đình em có mâu thuẫn đến mức không tự giải quyết được và vợ em đã gửi đơn lên tòa án ly hôn vợ chồng e có 1 cháu gái được 14 tháng tuổi, theo luật thì con dưới 36 tháng tuổi quyền chăm sóc nuôi dưỡng thuộc người vợ và chồng phải có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con hàng tháng.
- Cô ấy hiện không có việc làm, thu nhập chính phụ thuộc hoàn toàn vào chồng từ khi cưới đến nay
- Mẹ thì bị bệnh lu gút ban đỏ giai đoạn cuối không đi lại được và phải ngồi xe lăn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương hưu ít hỏi của me.
- Hiện tại cô ấy đang ở nhà ngoại và con thì tôi đang nuôi, nhà thì sau khi cưới mẹ cô ấy tuyên bố lấy chồng thì phải theo chồng còn nhà thì để cho dì.
- Cô ấy có dấu hiệu theo trai và không thương con (thương con hời hợt) cụ thể như sau:
+ Trong đêm mưa gió tôi có đuổi cô ấy ra khỏ nhà và không cho vợ mang theo con vì cô ấy quá hỗn xược, cô ấy đã điện cho bạn trai cách nhà tôi 30Km chạy xuống đón trong lúc mưa to gió lớn.
+ Ban ngày tôi đi làm bạn trai có ghé nhà chơi và cho bé tiền nhưng cô ấy không cho tôi biết.
+ Sáng hôm sau có lịch tiêm phòng của con cô ấy đi mang hết giấy tờ của con không chừa lại bất cứ thứ gì gồm sổ theo dõi tiêm phòng, giấy khai sinh, bảo hiểm y tế sáng hôm sau tôi gọi điện nhắn tin đều không nhận được hồi âm.
+ Trước khi đi đến giờ con ngủ bé khóc tôi bảo cho con bú miếng ru con ngủ rồi đi đâu thì đi cô ấy mặc kệ không thèm quan tâm.
+ Từ ngày cô ấy đi không thèm ngó ngàng hỏi han gì đến con.
Tôi muốn hỏi trong trường hợp này tôi muốn giành quyền nuôi con khi ra tòa thì cần phải làm những gì xin quý luật sư giúp cho.
Luật sư trả lời:
Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật NewVision. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình, như sau:
Theo điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, như sau:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, theo như quy định, thông thường quyền nuôi con sẽ thuộc về vợ bạn vì con bạn mới chỉ 14 tháng tuổi.
Tuy nhiên, qua những tình tiết bạn trình bày, có thể thấy vợ bạn không có đủ điều kiện nuôi con, chăm sóc, giáo dục con bạn. Luật hôn nhân gia đình 2014 cũng đã quy định “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Do đó, bạn vẫn có thể có quyền trực tiếp nuôi con dù con bạn mới 14 tháng.
Để giành quyền nuôi con, bạn phải có chứng cứ để chứng minh vợ bạn không có đủ điều kiện nuôi con.
Theo điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011, quy định chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.
Như vậy, bạn cần thu thập chứng cứ để chứng minh vợ bạn không đủ điều kiện nuôi con, như hình ảnh ngoại tình bằng cách ghi âm, chụp lại …giấy tờ chứng minh vợ bạn đang ở nhờ nhà bà ngoại ốm yếu như giấy khám bệnh, sổ lương… ghi hình lại quá trình sống hoặc ghi âm lại sự thờ ơ của vợ bạn với con…
Khi bạn nộp những chứng cứ chứng minh như vậy, thì đó là những cơ sở để Cơ quan Tòa án xem xét yêu cầu nuôi con của bạn là có căn cứ.
Trân trọng!