Cha và con - Hình minh họa
Sau khi ly hôn, quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, quyền nghĩa vụ, trách nhiệm của bạn và con thì không thay đổi sau ly hôn. Xử lý ra sao nếu trường hợp người vợ ngăn cản việc thăm con sau ly hôn?
Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình 2014 có quy định về quyền thăm con sau khi ly hôn:
“Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”
Như vậy, trường hợp người vợ ngăn cản và không cho người chồng thăm con là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này được coi là hành vi bạo lực lực gia đình theo điểm d khoản 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2008:
“Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình
1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
.....
Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;”
Do vậy, hành vi không cho thăm con sau ly hôn sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. (Căn cứ theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Dựa trên những quy định pháp luật trên, có thể thấy hành vi ngăn cản và không cho phép thăm con là hành vi vi phạm phạm pháp luật. Vì vậy bạn có thể giải quyết tình huống trên như sau:
Hướng dẫn xử lý khi vợ không cho thăm con
Trường hợp 1: Có thể hai vợ chồng tự thỏa thuận về việc thăm con sao cho hợp lý để có thể đáp ứng được nhu cầu thăm con và không ảnh hưởng tới cuộc sống của người vợ và con.
Trường hợp 2: Nếu không thỏa thuận được bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các cơ quan có thẩm quyền như UBND xã, cơ quan thi hành án dân sự để tổ chức thi hành án.Trường hợp không tự nguyện thi hành thì có thể bị cưỡng chế thi hành theo quy định của Luật thi hành án dân sự 2008.
Trường hợp 3: Có thể giành lại quyền nuôi con nếu có căn cứ chứng minh người vợ không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. (căn cứ theo Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình 2014)
Cập nhật bởi hoamattroi9297 ngày 26/09/2020 02:29:16 CH