Chào anh/chị, về trường hợp của anh/chị có thể tham khảo theo ý kiến như sau:
Trước tiên, tại khoản 6 Điều 19 Luật Cư trú 2020 có nêu rõ cha mẹ có trách nhiệm đăng ký cư trú cho con khi đã đủ điều kiện đăng ký.
Chính vì vậy nếu đã đủ điều kiện nhưng cha mẹ nhập hộ khẩu cho con muộn thì được xem là hành vi không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú và có thể bị phạt theo quy định tại Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Tuy nhiên, căn cứ Điều 21 Luật Cư trú 2020 và Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP, ngoài sổ đỏ thì có các giấy tờ khác có thể được sử dụng khi đi nhập hộ khẩu, bao gồm:
- Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong).
- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
- Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán.
- Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở.
- Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình.
- Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật.
- Giấy tờ có xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên.
- Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì cần có xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc phương tiện được sử dụng để ở; Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện nếu nơi đăng ký cư trú không phải nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện đó không phải đăng ký, đăng kiểm.
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở.
- Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).
Có thể thấy, hiện nay, việc nhập hộ khẩu không nhất thiết phải có sổ đỏ. Thế nên, anh/chị trong trường hợp này có thể sử dụng một trong các giấy tờ khác đã nêu trên để làm thủ tục nhập hộ khẩu cho con của mình.