Theo khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Như vậy, việc giao con cho ai nuôi phải căn cứ quyền lợi về mọi mặt của đứa trẻ. Các yếu tố thường được xem xét gồm: tư cách đạo đức, lối sống, thời gian dành cho con, lứa tuổi, giới tính của con, việc làm, thu nhập, chỗ ở của cha, mẹ sau ly hôn... Với quy định nói trên, thu nhập cũng chỉ là một yếu tố để xem xét khi giao con cho ai nuôi. Tuy nhiên, thu nhập ở đây được hiểu là thu nhập của chính người được giao nuôi con chứ không phải của những người thân thích của người đó. Do vậy, dù ông bà của cháu bé có điều kiện về kinh tế hay có thời gian chăm sóc cháu thì đây cũng không phải căn cứ để tòa án có thể giao con cho bạn nuôi nếu bản thân bạn không đủ điều kiện để nuôi con.
Việc bạn giành quyền nuôi con cần xuất phát từ quyền lợi tốt nhất của con; nếu con từ đủ 07 tuổi thì phải xem xét cả nguyện vọng của con. Đồng thời không chỉ có điều kiện kinh tế mà còn phải xem xét hoàn cảnh sống, môi trường sống, tính chất công việc của bố/ mẹ… thì mới đủ cơ cở xác định việc nuôi con thuộc về ai. Hơn nữa, Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình có quy định quyền của cha mẹ yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Theo đó, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây: cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.