Bạn đã bao giờ cảm thấy cứ mỗi khi cầm quyển sách lên, hay thậm chí là đọc ebook, nhìn những con chữ ấy là đã thấy ngán, thấy buồn ngủ, rồi tự nhủ "Chơi nốt lát nữa/hôm nay/tuần này... rồi mình sẽ đọc chưa?
Nếu bạn thường xuyên có hành vi này, thì bạn đã mắc phải căn bệnh chung của khoảng 80% giới trẻ ngày nay - bệnh lười đọc.
Vậy làm sao để chữa mà không khiến bản thân chán chường, áp lực vì bị nhồi nhét quá nhiều thứ vào đầu?
Nếu dành một chút thời gian tìm hiểu về đất nước và con người Nhật Bản, bạn sẽ thấy rằng người Nhật có thể đọc sách ở mọi lúc mọi nơi, ngay cả trong nhà vệ sinh hay trên tàu điện ngầm. Sao họ có thể chăm đọc đến thế nhỉ? Hãy học theo cách mà người Nhật đã làm để khiến nước họ trở thành một trong những quốc gia có văn hóa đọc phổ biến nhất thế giới - Phương pháp Kaiza nào!
Có thể bạn chưa biết rằng não của chúng ta cũng biết làm biếng đấy! Thường nó sẽ ưu tiên những việc ít tốn năng lượng và dễ dàng hơn. Đó là lý do tại sao khi chúng ta làm bài tập, sẽ luôn có một giọng nói vang vọng từ trong đầu thôi thúc bạn đi chơi, đi xem tivi và bỏ lại bài tập đang làm dở; hoặc nó sẽ khiến chúng ta thích ngủ nướng hơn là dậy sớm vào buổi sáng. Lợi dụng điều này, phương pháp Kaiza được hình thành dựa trên sự lặp đi lặp lại một hành động nào đó để khắc sâu vào tiềm thức con người, khiến nó trở thành một thói quen cố định và khi thực hiện não sẽ không mất quá nhiều thời gian và năng lượng nữa.
Trở lại với việc chữa lười đọc, bạn hãy bắt đầu bằng việc chọn một quyển sách, và đọc một trang, hoặc ngay cả khi chỉ một đoạn ngắn cũng được, lặp lại hằng ngày cho đến khi bạn quen dần với điều đó. Sau đó, bạn có thể lựa chọn tăng khối lượng mà bạn đọc lên hoặc giữ nguyên như thế. Tích tiểu thành đại, với cách đọc này, thì dù lười đến mấy mỗi năm bạn cũng đã có thể đọc xong vài quyển sách rồi.
Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi bạn phải có hai yếu tố sau để thành công: thứ nhất là cố định, tức bạn phải làm hằng ngày, không được bữa làm bữa nghỉ; thứ hai là kiên trì, tức bạn phải thực hiện cho đến khi hành vi ấy trở thành một thói quen khắc sâu trong tiềm thức của bạn.
Phương pháp này cũng có thể ứng dụng để chữa nhiều bệnh lười khác như lười thể thao, lười dọn dẹp, ... với cách thức thực hiện tương tự.
Chúc bạn thành công!
Nguồn: Tâm Lý Học Ứng Dụng