Làm mất sổ đỏ có sao không? - Ảnh minh họa
Sổ đỏ là từ mà người dân thường dùng để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dựa theo màu sắc của Giấy chứng nhận. Mọi người thường hoang mang, lo lắng khi bị mất sổ đỏ vì nghĩ rằng người nhặt được sẽ đem đi chuyển nhượng hoặc thế chấp và mình sẽ bị mất nhà, mất đất. Vậy bị mất sổ đỏ có bị làm sao không? Bài viết sau sẽ giải đáp thắc mắc này.
1. Sổ đỏ là gì?
Theo Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Như vậy, Sổ đỏ là ngôn ngữ thường ngày của người dân để gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được pháp luật quy định.
2. Mất sổ đỏ có đồng nghĩa với việc mất tài sản?
Căn cứ khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Đồng thời, tại Điều 115 Bộ luật này cũng quy định rõ quyền tài sản như sau:
"Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác"
Theo đó, quyền sử dụng đất là tài sản, còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tài sản.
Ngoài ra, dựa vào khái niệm đã trình bày ở mục (1) Giấy chứng nhận chỉ là giấy tờ ghi nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp (tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng khác). Hay nói cách khác, nếu mất Giấy chứng nhận thì chỉ mất giấy tờ ghi nhận quyền tài sản chứ không mất tài sản.
3. Người khác không được chuyển nhượng, thế chấp nếu không được sự đồng ý của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất
Căn cứ Điều 500 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Hợp đồng về quyền sử dụng đất như sau:
Hợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất.
Và Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 cũng có quy định, mặc dù người sử dụng đất không có quyền định đoạt quyền sử dụng đất nhưng được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn khi có đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, Theo khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013 thì:
Việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất chỉ có hiệu lực khi được đăng ký vào sổ địa chính của cơ quan đăng ký đất đai. Mặt khác, việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp chỉ được thực hiện bởi chính người sử dụng đất hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.
Như vậy, khi Giấy chứng nhận bị mất thì người đang chiếm giữ Giấy chứng nhận cũng không thể chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở nếu không có ủy quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
===> Do đó nếu chẳng may bị mất Sổ đỏ thì cũng không cần quá lo lắng vì Giấy chứng nhận bị mất thì quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở vẫn còn. Khi bị mất thì nên nhanh chóng đi làm thủ tục xin cấp lại. Đồng thời, hãy yên tâm vì người khác cũng không thể chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp nếu không được ủy quyền.
===>>>Xem thêm Các trường hợp cấp đổi GCN QSDĐ năm 2020
===>>>Xác minh sổ đỏ giả ở đâu?
Cập nhật bởi NguyenThanhNgan123 ngày 28/09/2020 10:44:25 SA