Làm gì để bảo vệ nhà báo?

Chủ đề   RSS   
  • #186859 18/05/2012

    lawcao

    Male
    Chồi

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:22/07/2010
    Tổng số bài viết (65)
    Số điểm: 1058
    Cảm ơn: 15
    Được cảm ơn 63 lần


    Làm gì để bảo vệ nhà báo?

    (Petrotimes) - Qua vụ việc hai nhà báo của VOV bị hành hung tại Văn Giang, Hưng Yên vừa qua, thêm một lần nữa dư luận lại bức xúc vì quyền tác nghiệp của nhà báo bị xâm phạm, sức khỏe, tính mạng của nhà báo bị đe dọa. Làm gì để bảo vệ nhà báo, bảo vệ quyền đưa tin, tác nghiệp của nhà báo?

    Để nhìn nhận về vấn đề này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia pháp lý Lê Cao – Công ty Luật hợp danh FDVN khía cạnh pháp lý vụ việc này.

    PVTheo quy định của pháp luật thì có quy định nào cấm nhà báo tham gia đưa tin về diễn biến cưỡng chế thu hồi đất không?

    Chuyên gia pháp lý Lê Cao: Trước hết liên quan đến pháp luật về báo chí, thì các quy định của Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi bổ sung năm 1999) và các văn bản hướng dẫn đều không cấm nhà báo đưa tin về việc cưỡng chế thu hồi đất. Đây là vấn đề bình thường, khi có cưỡng chế thu hồi đất thì nhà báo có quyền tham gia đưa tin về vụ cưỡng chế đó.

    Ngoài ra, theo quy định liên quan đến bảo vệ bí mật Nhà nước thì hiện không có quy định nào cho thấy hiện trường của vụ cưỡng chế thu hồi đất là “bí mật Nhà nước” hay là “khu vực cấm” mà nhà báo không được có mặt.

    Hiện trường của vụ cưỡng chế thu hồi đất cũng không thuộc một trong những “khu vực cấm, địa điểm cấm” được quy định tại Điều 2, Quyết định số160/2004/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, nếu là khu vực, địa điểm được xác định là khu vực cấm, địa điểm cấm phải cắm biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm” để người dân, nhà báo không đến đó hoặc nếu họ có mặt phải được sự cho phép theo quy định.

    PVVậy là báo chí không được tác nghiệp, thông tin về những vấn đề gì, thưa ông?

    Chuyên gia pháp lý Lê Cao:  Điều này đã được quy định rõ tại Điều 10 Luật Báo chí, hướng dẫn rất cụ thể tại Điều 5, Nghị định số51/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể những điều không được thông tin trên báo chí có thể dễ dàng liệt kê ra đây bao gồm:

    1. Không được đăng, phát những tác phẩm báo chí, nghệ thuật, văn học, tài liệu trái pháp luật, có nội dung chống đối Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phá hoại khối đoàn kết toàn dân.

    2. Không được miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, chém giết rùng rợn trong các tin, bài, hình ảnh về các vụ án và hành động tội ác. Không được đăng, phát tin, bài, hình ảnh, tranh, ảnh khỏa thân và có tính chất kích dâm, thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

    3. Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án).

    4. Không được đăng, phát tin bài ảnh hưởng xấu đến đời tư, công bố tài liệu, thư riêng của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của người viết thư, người nhận thư hoặc người chủ sở hữu hợp pháp tài liệu, bức thư đó. Đối với tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ tiêu cực, vi phạm pháp luật thì cơ quan báo chí thực hiện theo quy định tại Khoản 6 điều này.

    5. Không được đăng, phát tin, bài truyền bá hủ tục, mê tín dị đoan. Đối với loại thông tin về những vấn đề khoa học mới chưa được kết luận, những chuyện thần bí thì cần có chú dẫn xuất xứ tư liệu (nguồn gốc tác phẩm, nơi công bố, thời gian).

    6. Việc sử dụng các văn kiện của các cơ quan Đảng và Nhà nước, tài liệu của các tổ chức phải theo đúng những quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước ngày 28/12/2000. Đối với văn kiện, tài liệu của tổ chức, tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, cơ quan báo chí có quyền khai thác theo nguồn tin của mình và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung thông tin đó.

    Vụ việc cưỡng chế thu hồi đất, nếu nhà báo làm rõ diễn biến để cho thấy nguyên nhân vì sao người dân khiếu kiện, vì sao người dân chưa đồng thuận như là giá đền bù chưa thỏa đáng chẳng hạn sẽ là kênh thông tin rất hữu ích để cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước qua đó nhìn thấy được những hạn chế, bất cập của pháp luật đất đai để sửa đổi, bổ sung cũng là điều rất đáng ghi nhận.

    Nhà báo Hán Phi Long bị hành hung ở Văn Giang

    PVNhư vậy là nhà báo có quyền đến hiện trường vụ cưỡng chế thu hồi đất và có quyền đưa thông tin về vụ việc cưỡng chế đó?

    Chuyên gia pháp lý Lê Cao: Điều 15 Luật Báo chí và Điều 8 Nghị định51/2002/NĐ-CP của Chính phủ đã nêu rõ các quyền của nhà báo. Theo đó, nhà báo có quyền hạn tác nghiệp ở phạm vi rộng lớn trên toàn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; hoạt động báo chí ở nước ngoài, tất nhiên là ngoài những phạm vi theo quy định của pháp luật là cấm nhà báo tác nghiệp. Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

    Do vậy, trường hợp tác nghiệp để đưa tin một cách trung thực, khách quan về một vụ cưỡng chế thu hồi đất là góp phần thực hiện sứ mệnh thông tin trung thực về vụ việc có tính thời sự đang diễn ra và điều này cũng thể hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luật quy định tại Điều 4 Luật Báo chí.

    PVNhư vậy những người hành hung nhà báo đã có hành vi trái pháp luật?

    Chuyên gia pháp lý Lê Cao: Như đã nói trên, không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Không chỉ nhà báo, mà bất kỳ công dân nào cũng được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Đó là những quyền nhân thân cơ bản được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự 2005.

    PVTheo ông thì cần làm những gì để bảo vệ nhà báo trong những việc tương tự như thế này?

    Chuyên gia pháp lý Lê Cao: Thực tế pháp luật đã có những quy định để bảo vệ nhà báo, nhưng rất nhiều trường hợp trong thực tế đời sống không phải quy định pháp luật nào cũng được áp dụng, tuân thủ. Cần phải sớm làm rõ hơn nữa những ai đã tham gia đánh nhà báo. Nếu như vụ việc được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ là các nhà báo đã bị đánh như những thông tin, hình ảnh mà tất cả chúng ta đều thấy trên các phương tiện thông tin những ngày qua, thì rõ ràng pháp luật đã bất lực. Không chỉ cần phải bổ sung hơn nữa các quy định chặt chẽ để bảo vệ nhà báo, mà điều cần làm trước hết là làm sao cho pháp luật về bảo vệ quyền tự do báo chí, quyền tác nghiệp của nhà báo được tuân thủ. Nếu bất cứ trường hợp nào trong đời sống cũng diễn ra theo cách đó, với không chỉ nhà báo, không chỉ trong một vụ cưỡng chế thu hồi đất thì quá nguy hiểm cho xã hội.

    PVXin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

    Mạnh Kiên (thực hiện)
    (Báo Năng lượng Mới số 120, ra ngày 15/5/2012)

    * Công ty Luật hợp danh FDVN, 193 Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng
    ĐT: 05113. 890 568, www.fdvn.vn

    Luật sư Lê Cao - Công ty Luật hợp danh FDVN,

    193 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng,

    www.fdvn.vn ĐT: 05113. 890 568

    ..................................................Chơi với phù phiếm!......................

     
    6999 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn lawcao vì bài viết hữu ích
    daonhan (19/05/2012)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận