Chào bạn!
Theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì: "Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó". Do đó, nếu bạn đó là trẻ mồ côi không xác định được cha, mẹ thì cá nhân, tổ chức theo quy định tại khoản 3 trên sẽ có trách nhiệm đăng ký khai sinh (hoặc khai sinh quá hạn) và ghi chú trong sổ quản lý khai sinh "chưa xác định được cha, mẹ".
Theo Luật Quốc tịch thì xác định công dân Việt Nam theo các căn cứ sau đây:
- Cha, mẹ là công dân Việt Nam, được sinh ra ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài;
- Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai, được sinh ra ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài;
- Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là công dân nước ngoài, nếu cha mẹ có sự thỏa thuận bằng văn bản về việc chọn Quốc tịch Việt Nam vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con;
- Cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài mà được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con;
- Được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam;
- Được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai;
- Người được nhập quốc tịch Việt Nam;
- Người được trở lại quốc tịch Việt Nam;
- Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai;
- Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam;
- Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi;
- Người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Khi có sự thay đổi về quốc tịch do nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam của cha mẹ thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ (nếu người con từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được sự đồng ý bằng văn bản của người con).
- Người đã có quốc tịch Việt Nam mà bị mất quốc tịch Việt Nam, được Chủ tịch nước quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, huỷ bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, bị tước quốc tịch Việt Nam thì không còn là công dân Việt Nam.
Như vậy trong trường hợp bạn nêu bạn của bạn được sinh ra trên lãnh thổ nước Việt Nam và không xác định được ai là cha, mẹ thì sẽ mang quốc tịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 05/1999/NĐ-CP về Chứng minh nhân dân thì: "Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi tắt là công dân) có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân theo quy định của Nghị định này". Như vậy, bạn của bạn nếu đủ 14 tuổi trở lên có thể liên hệ với công an cấp huyện nơi bạn đó đang thường trú để được hướng dẫn thủ tục làm CMND.