Đặc thù văn hóa của Việt Nam từ ngàn đời nay là văn hóa làng, hay nói một cách thô thiển hơn là Việt Nam là một cái làng lớn tập hợp vô vàn những cái làng nhỏ, mỗi làng nhỏ mang một phong tục, một tập quán, nói chung là mang một văn hóa khác nhau.
Với sự phát triển của xã hội, việc mọc lên các trung tâm thương mại, khu công nghiệp, việc đô thị hóa ngày càng nhanh chóng các vùng nông thôn thì văn hóa làng xã của Việt Nam dường như đang mai một và mất dần. Ngày nay, nhiều giá trị văn hóa bị lãng quên, nhiều phong tục bị chối bỏ nhưng cái nếp nghĩ kiểu văn hóa làng vẫn chưa thể thoát khỏi hoàn trong ý thức hệ của người Việt. Tất nhiên, ngay cả trong cả việc lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng không là ngoại lệ.
Với việc năng lực “làm” luật của quốc hội còn nhiều hạn chế, việc soạn thảo một số đạo luật mang tính chuyên ngành vẫn được giao cho các cơ quan chủ quản của lĩnh vực đó thì cái “văn hóa làng” sẽ thể hiện rõ nét trong các quy định, khi cơ quan được soạn thảo vẫn chưa thể thoát hoàn toàn ra khỏi cái lợi ích của chính mình. Hay đơn cử cụ thể như việc quy định mức xử phạt giao thông của Hà Nội và TP.HCM cao hơn so với những địa phương khác hoặc việc chúng ta chuẩn bị ban hành Luật Thủ Đô.
Chắc chắn rằng, nếu các bạn nộp một hồ sơ bất kỳ giống nhau tại cùng một cơ quan nhà nước nhưng có địa giới hành chính khác nhau thì hồ sơ và cách giải quyết cũng sẽ khác nhau đôi chút. Ngoài yếu tố hiểu luật để áp dụng của những cá nhân trong bộ máy nhà nước ở mức độ và trình độ khác nhau thì chúng ta không thể phủ nhận yếu tố “lệ làng” ở trong đó. Nên không thể nào nói tôi làm được cái này ở cơ quan nhà nước ở xã này, huyện này, tỉnh này thì sang xã nọ, huyện nọ, tỉnh nọ với hồ sơ tương tự tôi cũng làm được. Cái câu: “Phép vua thua lệ làng” vì thế vẫn chưa thể bỏ được. Có nhiều người bạn của Ngốc tôi hay mang theo các văn bản luật nhằm “cãi” cán bộ khi làm hồ sơ cho khách hàng, nhưng cũng thường nhận được câu trả lời: “Tôi hướng dẫn thế, anh chị không bổ sung hoặc sửa thì tôi không nhận, nếu không đồng ý có quyền khiếu nại lên thủ trưởng của tôi”. Mà việc khiếu nại thì……
Trong công tác xét xử, đặc biệt trong các vụ tranh chấp dân sự và thương mại, mỗi cấp tòa đều có những khác biệt khi xét xử những vụ án mang tính tương tự. Bỏ qua cái yếu tố tiêu cực và trình độ nhận thức, chúng ta vẫn thấy lẩn khuất đâu đó một chút “lệ làng”, khi án lệ không được áp dụng ở Việt Nam.
Nói chung, việc thống nhất phạm vi điều chỉnh, áp dụng pháp luật là một yếu tố cần thiết cho sự phát triển của đất nước nhằm tránh các tiêu cực cũng như tạo ra tính công bằng bình đẳng trong một đất nước. Để làm được điều này, chúng ta sẽ cần một thời gian rất dài nhằm thay đổi từ khả năng, trình độ đến cái nếp nghĩ “làng”.Điều ta biết chỉ là một giọt nước
Điều ta chưa biết là cả đại dương mênh mông.