Trường hợp bạn đã làm giấy khai sinh cho con tại Đà Nẵng rồi lại đi làm ở Quảng Bình là sai quy định, đồng thời việc làm giấy khai sinh từ bản sao giấy chứng sinh là không hợp lệ.
Theo Khoản 1 Điều 15 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng kí quản lý hộ tịch quy định về thủ tục làm đăng kí khai sinh thì cha mẹ khi đi làm giấy khai sinh cho con cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
"1. Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn".
Theo đó khi đi làm giấy khai sinh bạn phải có giấy chứng sinh theo đúng mẫu quy định
Tại Điểm a Khoản 2 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BYT quy định như sau: "a) Trước khi trẻ sơ sinh về nhà, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu Giấy chứng sinh ban hành tại Phụ lục 01 kèm theo Thông tư này. Cha, mẹ hoặc người thân thích của trẻ có trách nhiệm đọc, kiểm tra lại thông tin trước khi ký. Giấy chứng sinh được làm thành 02 bản có giá trị pháp lý như nhau, 01 bản giao cho bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ để làm thủ tục khai sinh và 01 bản lưu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh." Như vậy giấy chứng sinh sẽ được làm thành 2 bản, 1 bản sẽ giao cho bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ và 1 bản lưu tại cơ sở khám chữa bệnh.
Như vậy, chỉ được dùng bản gốc giấy chứng sinh làm giấy khai sinh cho con. Trường hợp bạn muốn đổi tên cho con thì theo quy định tại Điểm c Khoản 1 và Khoản 3 Điều 28 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền đổi tên như sau:
“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
…
c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
…
3. Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.”
Trong trường hợp này bạn cần thay đổi tên của con bạn thì bạn có thể đến Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây để giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi và bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi; Hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai (theo mẫu quy định),
- Bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch;
- Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch.