Kỹ năng kiểm sát giải quyết vụ án “giết người” không quả tang

Chủ đề   RSS   
  • #498883 07/08/2018

    TuyenBig
    Top 100
    Female
    Trung cấp

    Bắc Kạn , Việt Nam
    Tham gia:27/03/2018
    Tổng số bài viết (741)
    Số điểm: 27039
    Cảm ơn: 24
    Được cảm ơn 952 lần


    Kỹ năng kiểm sát giải quyết vụ án “giết người” không quả tang

    Các vụ án giết người xảy ra trong trường hợp không quả tang luôn là các vụ án khó, phức tạp. Bài viết sau đây đề cập đến một số kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ án giết người không quả tang 
     

    Khi đã xác định rõ có vụ án “giết người” xảy ra thì tập trung làm rõ các căn cứ xác định thủ phạm, người phạm tội, dựa trên các yếu tố: Nghi can có mặt tại hiện trường hoặc có tiếp xúc với nạn nhân vào thời điểm xảy ra vụ án hoặc trước khi nạn nhân bị giết không? Phải thông qua các dữ liệu điện tử và các chứng cứ khác, lời khai của người bị tình nghi, của nhân chứng, các dấu vết, vật chứng còn để lại ở hiện trường, thu được qua khám xét hoặc thu giữ được mà có dấu vết hoặc có liên quan đến thủ phạm. Lời khai của người bị hại (trong trường hợp người bị hại còn sống), các kết luận giám định, các biên bản thu giữ vật chứng, nhận dạng…, các tài liệu xác định tuổi, năng lực hành vi của nghi can…

    Khi đã có đủ căn cứ để xác định đối tượng gây án thì tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can để điều tra. Quá trình kiểm sát việc điều tra, lập hồ sơ để truy tố, xét xử người phạm tội, Kiểm sát viên cần làm rõ các vấn đề “cốt lõi” sau đây:

    – Tại các lời khai, bản tự khai, bản cung của mình, bị can có thừa nhận hành vi “giết người” hay không? Lời khai nhận tội này có khách quan và có phù hợp với các chứng cứ khác hay không? phù hợp với hiện trường, dấu vết, vật chứng, kết luận giám định, với các nhân chứng khác… hay không? Điều này là rất quan trọng.

    – Hiện trường thể hiện vị trí tấn công ở đâu? Các dấu vết cơ học, sinh học để lại là gì? Tử thi và trên cơ thể bị can có các dấu vết gì? Vụ án có một hiện trường hay nhiều hiện trường, có hiện trường vụ tấn công hay chỉ là hiện trường giả, hiện trường giấu xác? Cho bị can vẽ lại hiện trường, vẽ lại quá trình di chuyển của bị can đến hiện trường, ở lại hiện trường và tẩu thoát, thời gian tiêu thụ cho quá trình này?

    – Vật chứng thu được là gì? Thủ phạm “thừa nhận” đã dùng hung khí, vũ khí, loại vật chất nào là để tước đoạt sinh mạng nạn nhân? Bị can có vẽ lại được các hung khí, vũ khí này không? Bản ảnh tại hiện trường có thể hiện được các vật chứng này không? Nguồn gốc các vật chứng đó? Nếu bị mất thì phải làm rõ lý do mất, hủy, nơi bị mất, bị hủy vật chứng, yêu cầu bị can vẽ lại sơ đồ nơi cất giấu, tiêu thụ, hủy vật chứng… Cũng rất cần cho bị can mô tả đặc điểm bản thân và của nạn nhân khi có sự tấn công, tác động.

    – Vụ án do một hay nhiều người gây ra? các hành vi thuê, giúp sức, che giấu tội phạm (nếu có) là gì?

    – Cho thực nghiệm điều tra, để bị can diễn lại, thể hiện lại tư thế tấn công nạn nhân, ví dụ, nếu nạn nhân bị tấn công bằng 3 nhát dao ở các vị trí khác nhau trên cơ thể, thì các nhát dao này được thực hiện ở các tư thế nào? (tư thế của nạn nhân và bị can), ở các vị trí nào trên hiện trường? Thời gian diễn ra việc tấn công? Thời gian di chuyển của bị can từ điểm xuất phát đến nơi tấn công và tẩu thoát, từ đó xác định có thời gian tiêu thụ vào vụ gây án? Vị trí, hành vi của các bị can đồng phạm? Thời tiết, ánh sáng tại hiện trường lúc xảy ra vụ án?

    – Lời khai của nhân chứng, của người bị hại (trong trường hợp người bị hại không chết) có phù hợp với các chứng cứ khác không? Có chi tiết nào cường điệu hoặc không logic?

    – Kiểm sát kết luận giám định phải làm rõ nguyên nhân dẫn đến nạn nhân chết, thời gian nạn nhân chết, chết trên cạn hay ở dưới nước…; các vật, hung khí, vũ khí nào, một hay nhiều loại gây ra cái chết này. Việc trưng cầu giám định và thực hiện giám định cần tiến hành khẩn trương, tránh để thời gian hủy hoại các vật phẩm… Vũ khí, chất độc nghi làm nạn nhân chết cũng cần được giám định, cả về đường đạn, cơ chế gây ra cái chết của nạn nhân…

    – Độ tuổi, nhân thân, năng lực trách nhiệm hình sự của bị can cũng cần đi sâu làm rõ. Nếu bị can có bệnh ảnh hưởng đến khả năng nhận thức phải kết luận rõ: Trước, trong và sau khi thực hiện hành vi nguy hiểm bị can có bị bệnh tâm thần hay không? Với loại bệnh đó bị can được miễn hay chỉ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đánh giá quá trình mắc bệnh, đề phòng tình huống giả bệnh tránh án. Vấn đề này rất quan trọng, nhất là trong các vụ án giết người thân, giết người mà không rõ nguyên nhân, động cơ. Nếu vấn đề nào chưa rõ cần trưng cầu giám định lại hoặc yêu cầu giám định viên có văn bản giải thích.

    – Khi giữa lời khai của bị can, nhân chứng, bị hại (trường hợp người bị hại còn sống) có mâu thuẫn, phải thực hiện đối chất. Trong trường hợp xuất hiện các yếu tố khác hỗ trợ thì cần cho nhận dạng hình ảnh, âm thanh. Cũng có thể yêu cầu bị can nhận dạng người, vật chứng và có thể nhận dạng qua ảnh…

    – Động cơ gây án, nguyên nhân, điều kiện phạm tội là gì? Mối quan hệ giữa bị can và nạn nhân? Có dự mưu hay chỉ do mâu thuẫn nhất thời.

    – Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can; lỗi của nạn nhân hoặc người bị hại, chứng cứ nào xác định bị can vô tội? Tuổi, thiệt hại của người bị hại? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị can đối với người và gia đình người bị hại, vấn đề này cũng cần dựa vào kết luận giám định, định giá tài sản và lời khai từ phía người bị hại…

    – Tính khách quan, đúng đắn của quá trình điều tra như hỏi cung và các hoạt động điều tra khác? Có biểu hiện mớm cung, dụ cung, nhục hình, truy bức… buộc bị can khai sai sự thật hay không? động cơ nhận tội của bị can là gì? Nếu vụ án có đông bị can hoặc đông người tham gia, giữa bị can và các nghi can khác có mối quan hệ gia đình, họ hàng… thì cần làm rõ có việc nhận tội thay hay không? Ai nhận tội thay cho ai, thời gian, địa điểm, nhân chứng… xác định điều này?

    – Các văn bản quy phạm pháp luật cần áp dụng để xử lý hành vi phạm tội của bị cáo là gì, các văn bản này quy định về tội danh, điều khoản, khung hình phạt nào là phù hợp? Thời hiệu, hiệu lực của các văn bản đó? Có tình tiết nào để loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị can, bị cáo không?

    Kiểm sát viên luôn luôn phải thực hiện “kiểm sát điều tra từ đầu”, nêu yêu cầu điều tra, dự nghe cung để góp ý với Điều tra viên, hỏi cung cùng Điều tra viên, trực tiếp hỏi cung, lấy lời khai để phát hiện vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án và đề xuất áp dụng các biện pháp mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, bảo đảm xử lý chính xác vụ án, không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm

    Ở các giai đoạn, yêu cầu đặt ra là phải truy tìm, củng cố, đánh giá chứng cứ cả trên chiều rộng và chiều sâu, bảo đảm đạt được bản chất thật, tính thống nhất, liên quan của các chứng cứ, đề phòng tình huống chối tội, phản cung, kêu oan sau này. Việc nắm chắc hệ thống chứng cứ, cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, chuẩn bị kỹ kế hoạch thẩm vấn, tranh luận trước Tòa án là yếu tố bảo đảm cho Kiểm sát viên tranh tụng thành công.

    Tội danh “giết người” chỉ đặt ra khi xác định bị can (bị cáo) cố ý tước đoạt sinh mạng của nạn nhân. Trường hợp nạn nhân bị tấn công mà không chết thì thuộc trường hợp “lỗi cố ý không xác định”, thông thường, hậu quả đến đâu xử lý đến đó. Nếu có hành vi tấn công, có hậu quả nhưng không chết người, không đủ yếu tố để kết luận bị can có lỗi cố ý tước đoạt sinh mạng người bị hại thì chỉ xử lý về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác”, khi có lỗi cố ý tước đoạt sinh mạng nhưng nạn nhân không chết thì phạm tội “giết người” nhưng chưa đạt.

    Chỉ áp dụng án tử hình – mức hình phạt cao nhất khi thuộc trường hợp Luật định, khi hệ thống chứng cứ đủ, rõ để khẳng định 100% rằng bị cáo cố ý tấn công, tác động vật chất làm chết nạn nhân. Nếu vụ án vừa có các chứng cứ kết tội bị cáo, vừa có (một số ít) chứng cứ xác định bị cáo vô tội thì áp dụng mức hình phạt phù hợp, thường là dưới mức án cao nhất. Đó là kết luận của lãnh đạo liên ngành tư pháp Trung ương rút ra khi thẩm định vụ án “giết người”, “hiếp dâm trẻ em”.

    Nguồn: Trích Kiểm sát online

     

     
    4300 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận