Theo nhận định của VKSND Tối cao, hiện nay xã hội đang phát sinh nhiều hành vi nguy hiểm nhưng BLHS vẫn chưa có sự điều chỉnh hay các chế tài phù hợp.
Các hành vi như nhận bao thư, quà biếu của cán bộ, công chức; sử dụng công nghệ để bán hàng ảo đa cấp; xâm phạm trái phép vào mạng chuyên dùng để đánh cắp dữ liệu hoặc làm sai lệch dữ liệu của máy tính. Hoặc sử dụng tin nhắn rác giả thông tin khuyến mãi để chiếm đoạt tài sản của người khác; quấy rối, khủng bố, phát tán hình ảnh, đời tư của người khác qua các thiết bị viễn thông, Internet; …đều chỉ mới dừng ở mức độ là xử phạt vi phạm hành chính, trong khi có nhiều hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đáng ra phải bị xử lý ở mức độ hình sự để thể hiện tính răn đe mạnh đối với người vi phạm.
Các hành vi liên quan đến quyền con người như giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi; mua bán đàn ông; mua bán nội tạng người vì mục đích lợi nhuận; môi giới mại dâm nam… hiện cũng chưa được tội phạm hóa.
Bên cạnh đó cũng có nhiều biện pháp được đưa ra nhưng ít khi được áp dụng như biện pháp buộc công khai xin lỗi người bị hại (khoản 2 Điều 42), tương tự là các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội như giáo dục tại xã, phường, thị trấn hay đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 70).
Ngoài ra, VKSND Tối cao đề xuất nên bỏ hình phạt cảnh cáo (Điều 29) vì thực tiễn cho thấy nó không có tác dụng răn đe, giáo dục người phạm tội và cũng ít được áp dụng nên mục đích của hình phạt không đạt được.
Theo Pháp luật TP HCM