Thay vì tăng lương tối thiểu từ 1.1 hàng năm, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa quy định tăng lương tối thiểu từ 1.7 hàng năm, bắt đầu từ năm 2022.
Đây là kiến nghị của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng và Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN với 27 tỉnh, thành phố về “Bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động” tổ chức sáng nay, 24.12.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố cùng phối hợp, tập trung vào một số nội dung cụ thể như: việc làm, tiền lương, nhà ở và điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Cụ thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Về tiền lương, chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng tiền lương quốc gia, làm cơ sở để các bên thương lượng, đề xuất tiền lương tối thiểu vùng hằng năm khách quan, công bằng.
Trước mắt, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia họp vào quý 2/2021 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ thương lượng, thống nhất và trình khuyến nghị tới Chính phủ xem xét, quyết định tiền lương tối thiểu vùng năm 2021. Đồng thời, xem xét, sửa quy định, để từ năm 2022, việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ 1.7 hàng năm.
Chăm lo cuộc sống tốt hơn cho công nhân trong thời gian tới
Về nhà ở và điều kiện làm việc của công nhân lao động, Tổng Liên đoàn đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố, bộ ngành liên quan phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai các quyết định của Thủ tướng về vấn đề xây dựng nhà ở và các thiết chế cho công nhân lao động...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vấn đề việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động là vấn đề quan trọng. Trong bối cảnh mới, đặc biệt là từ khi xuất hiện dịch Covid-19, công nhân và người lao động đang đối mặt với không ít thách thức, nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty phải giảm, giãn việc. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng nhiều hơn để công nhân có việc làm.
Liên quan đến vấn đề xây dựng các thiết chế công đoàn, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các cấp công đoàn và người sử dụng lao động trong lĩnh vực quy hoạch đất đai, xây dựng nhà ở, trường học và các thiết chế phục vụ công nhân. Đây là nhiệm vụ cần được ưu tiên đặc biệt trong 5 năm tới. Các địa phương phải dành nguồn lực thỏa đáng chăm lo, hỗ trợ công nhân lao động.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta cùng bắt tay nhau lo cuộc sống tốt hơn cho công nhân trong thời gian tới. Trước hết, các địa phương, các khu công nghiệp phải lo, phải dành quỹ đất cho việc xây dựng thiết chế công đoàn tốt hơn. Nhà nước bố trí nguồn lực hỗ trợ cùng với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân. Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động vừa lo phát triển doanh nghiệp đồng thời phải lo cho công nhân, lao động để hài hòa lợi ích, không để người lao động thất nghiệp”.
Thủ tướng lưu ý các cấp, các ngành, Tổng LĐLĐVN, các doanh nghiệp phải chuẩn bị lo tết cho công nhân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa để mọi người, mọi công nhân đón tết đầm ấm, vui tươi.
Theo Thanh niên
Cập nhật bởi lamkylaw ngày 25/12/2020 07:59:05 SA