Chiều ngày 24/11/2023, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, - Phó giám đốc Công an tỉnh Kon Tum đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định tính điểm giấy phép lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe.
Cụ thể, theo đại biểu Phước, giấy phép lái xe (GPLX) là một trong những giấy tờ rất quan trọng, không chỉ là phương tiện để công nhận về khả năng của một người có đủ năng lực, điều kiện điều khiển phương tiện giao thông, mà còn là một công cụ phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông là vấn đề rất nghiêm trọng. Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông diễn biến rất phức tạp; nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản liên tiếp xảy ra, gây lo lắng, bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Tình trạng này một phần nguyên nhân chính đó là do ý thức của người điều khiển giao thông chưa cao. Về mặt pháp lý đối với hành vi vi phạm hành chính chỉ mang tính chất nhất thời chưa đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm.
Theo đó, chiều ngày 24/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước - Phó giám đốc Công an tỉnh Kon Tum kiến nghị Quốc hội và ban soạn thảo bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe; xem xét sử dụng việc trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước.
"Đây là biện pháp đánh trực tiếp vào ý thức của người điều khiển phương tiện đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng tùy vào hành vi vi phạm mà lái xe sẽ bị trừ số điểm nhất định. Vi phạm nhiều lần thì lái xe sẽ bị trừ nhiều lần, trừ đến khi bị tước giấy phép lái xe và buộc phải học lại.
Từ đó người điều khiển phương tiện buộc phải tự ý thức về số điểm trên giấy phép của mình, hạn chế tối đa khả năng vi phạm để bị trừ điểm”, bà nói.
Cũng theo vị đại biểu tỉnh Kon Tum, chính sách này trước kia có thực hiện, nhưng hiện nay, xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, thông qua việc liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu, cơ quan quản lý nhà nước có thể theo dõi, nắm bắt được nhiều thông tin khác nhau phục vụ cho công tác quản lý.
Điều này có ý nghĩa trong việc bảo đảm tính chính xác, minh bạch và kịp thời của việc trừ điểm giấy phép lái xe. Ngoài ra, điểm của giấy phép lái xe cũng được coi là một trong những tiêu chí để các nhà tuyển dụng lao động lái xe cho mình.
Chính phủ sẽ nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp
Theo Báo Thanh niên, trước đó, Bộ Công an từng đề xuất quy định mỗi GPLX có tổng điểm là 12. Điểm của GPLX sẽ bị trừ khi người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về TTATGT.
Nếu bị trừ hết điểm, GPLX sẽ không còn hiệu lực. Tài xế muốn được cấp GPLX mới thì 6 tháng sau sẽ phải học và thi sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu.
Dữ liệu về điểm GPLX được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành. Việc trừ điểm cụ thể ra sao sẽ do Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, trong một số dự thảo mới đây, đề xuất trên không còn được giữ lại. Giải thích về sự thay đổi này, Bộ Công an cho biết sau khi nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế, việc trừ điểm GPLX là một hình thức xử lý vi phạm hành chính, do đó cần sửa đổi, bổ sung trong luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bộ Công an cho hay đang đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội xây dựng Nghị quyết thí điểm về trừ điểm GPLX đối với người vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Cũng liên quan đến nội dung này, hôm 10/11, tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo luật TTATGT quy định về điểm và trừ điểm GPLX.
Giải trình về nhóm ý kiến nêu trên, Chính phủ cho hay sẽ tiếp thu và chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp các cơ quan chức năng nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp.
Nguồn: Báo Thanh niên