Ngày 08/10/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định 2647/QĐ-BCT phê duyệt khung giá nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam từ ngày 31/12/2025.
Khung giá nhập khẩu thuỷ điện, điện gió từ Lào về Việt Nam từ 31/12/2025
Theo Điều 1 Quyết định 2647/QĐ-BCT quy định về ban hành khung giá nhập khẩu điện từ Lào cho giai đoạn từ ngày 31/12/2025
Khung giá mua điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam đối với loại hình nhà máy thủy điện và nhà máy điện gió vận hành thương mại từ ngày 31/12/2025 như sau:
- Mức giá tối đa đối với loại hình nhà máy thủy điện: 6,78 USCent/kWh;
- Mức giá tối đa đối với loại hình nhà máy điện gió: 6,4 USCent/kWh.
- Khung giá điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam áp dụng đối với các nhà máy điện vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 31/12/2025 đến hết ngày 31/12/ 2030.
Theo đó, khung giá nhập khẩu thuỷ điện, điện gió từ Lào về Việt Nam tối đa lần lượt là 6,78 USCent/kWh và 6,4 USCent/kWh. Khung giá trên sẽ được áp dụng trong 5 năm từ 31/12/2025 - 31/12/2030.
Việc mua bán điện với nước ngoài được quy định thế nào?
Theo Điều 28 Luật điện lực 2004 sửa đổi 2012 quy định về mua bán điện với nước ngoài như sau:
- Việc mua bán điện với nước ngoài phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và được ghi trong giấy phép hoạt động điện lực.
- Việc mua bán điện với nước ngoài thông qua hệ thống điện quốc gia phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
+ Không làm ảnh hưởng đến độ an toàn, tin cậy và tính ổn định trong vận hành hệ thống điện quốc gia;
+ Đáp ứng các tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật quản lý vận hành hệ thống điện quốc gia;
+ Không làm tổn hại đến lợi ích của khách hàng sử dụng điện, lợi ích của Nhà nước và an ninh năng lượng quốc gia.
- Khách hàng sử dụng điện ở khu vực biên giới được mua điện trực tiếp với nước ngoài không qua hệ thống điện quốc gia nhưng phải bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn điện và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, khi mua bán điện với nước ngoài thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép và phải đảm bảo các nguyên tắc theo quy định.
Cơ quan nào có thẩm quyền cho phép mua bán điện với nước ngoài?
Theo Điều 22 Nghị định 137/2013/NĐ-CP quy định về mua bán điện với nước ngoài như sau:
- Cơ quan có thẩm quyền cho phép mua bán điện với nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật điện lực 2004 bao gồm:
+ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài qua lưới điện quốc gia từ cấp điện áp 220 kV trở lên. Bộ Công Thương xem xét đề nghị mua bán điện với nước ngoài của các đơn vị điện lực, trình Thủ tướng Chính phủ;
+ Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài qua lưới điện quốc gia có cấp điện áp dưới 220 kV theo đề nghị của đơn vị điện lực.
- Khách hàng sử dụng điện ở khu vực biên giới quy định tại Khoản 3 Điều 28 Luật điện lực 2004 chỉ được mua điện trực tiếp với nước ngoài ở cấp điện áp 0,4 kV và phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
+ Là công dân Việt Nam;
+ Có quy mô công suất sử dụng điện dưới 10 kW và không đấu nối được vào hệ thống điện quốc gia hoặc lưới điện tại chỗ;
+ Toàn bộ phần lưới điện từ biên giới đến địa điểm sử dụng điện do bên mua điện đầu tư và quản lý vận hành;
+ Đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn điện;
+ Được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý, giám sát, kiểm tra việc mua điện với nước ngoài.
Như vậy, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương là người, cơ quan có thẩm quyền cho phép mua bán điện với nước ngoài.