Khủng bố là gì? Tội khủng bố chống chính quyền Việt Nam bị xử lí ra sao?

Chủ đề   RSS   
  • #609880 25/03/2024

    motchutmoingay24
    Top 500


    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (177)
    Số điểm: 2145
    Cảm ơn: 14
    Được cảm ơn 41 lần


    Khủng bố là gì? Tội khủng bố chống chính quyền Việt Nam bị xử lí ra sao?

    Những ngày gần đây cả thế giới đều thấy căm phẫn và có phần lo lắng trước vụ việc tấn công khủng bố tại Nga, đã có 3 trên 4 nghi phạm đã bị tạm giam để chờ xử lí trong vụ việc trên. Qua sự việc này, chúng ta cùng tìm hiểu khủng bố là gì? Tội khủng bố chống chính quyền ở Việt Nam sẽ bị xử lí như thế nào nhé!

    (1) Khủng bố là gì?

    Theo wikipedia khủng bố là hành vi sử dụng bạo lực và nỗi sợ hãi để đạt được mục đích của một cá nhân, tổ chức, thông thường là về chính trị. Hành vi khủng bố là từ thường dùng để chỉ các cuộc tấn công trong thời bình nhắm vào lực lượng chức năng, người dân (không tham chiến) hoặc các địa điểm cơ quan chính quyền, chính phủ hoặc nơi có đông người nhằm gây chú ý và hoảng sợ trong công chúng.

    Tội khủng bố trong pháp luật Việt Nam được quy định trong khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố 2013 như sau:

    “Khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng:

    + Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác;

    + Chiếm giữ, làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

    + Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố 2013

    + Tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, cưỡng bức, thuê mướn hoặc tạo điều kiện, giúp sức cho việc thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố 2013

    + Thành lập, tham gia tổ chức, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện đối tượng nhằm thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống khủng bố 2013

    + Các hành vi khác được coi là khủng bố theo quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

    (2) Tội khủng bố chống chính quyền nhân dân là được quy định như thế nào?

    Tội khủng bố chống chính quyền Việt Nam có thể được hiểu là hành vi khủng bố có mục đích chống phá, nhằm làm suy yếu chính quyền Việt Nam.

    Điều 113 Bộ Luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 quy định tội khủng bố chống chính quyền nhân dân sẽ bị xử lí như sau:

    - Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

    + Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố;

    + Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố;

    + Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

    + Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    - Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

    Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều 113 Bộ Luật Hình sự 2015

    - Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

    (3) Các dấu hiệu cấu thành tội phạm khủng bố là gì?

    Từ các quy định trên, có thể thấy dấu hiệu cấu thành tội phạm khủng bố chống chính quyền như sau:

    Về mặt khách thể:

    - Thực hiện các hành vi làm xâm phạm đến tính mạng, tự do thân thể, sức khỏe của người khác hoặc phá hoại tài sản. 

    - Nếu hành vi có mục đích chống phá nhà nước thì khách thể sẽ được nhắm tới là sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, an ninh đối nội, an ninh đối ngoại.

    Về mặt chủ thể:

    - Người Việt Nam hoặc người nước ngoài, người không có quốc tịch và có đủ năng lực hành vi dân sự.

    Về mặt khách quan:

    - Các hành vi xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, quyền tự do thân thể của cán bộ, công chức hoặc người khác

    - Phá hoại tài sản của cơ quan, cá nhân, tổ chức.

    - Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    - Thành lập, tham gia hoặc tài trợ khủng bố

    - Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố.

    Về mặt chủ quan

    Đây được xác định là lỗi cố ý trực tiếp, nhận thức được hành vi, thấy được trước hậu quả và mong muốn hậu quả đó xảy ra.

    Tội phạm khủng bố hoặc khủng bố chống chính quyền nhân dân được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong các hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm. Hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, không phải là dấu hiệu định tội mà chỉ có thể là dấu hiệu trong xem xét quyết định hình phạt.

     
    91 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận