Không yêu cầu thi hành án dân sự, lúc hết thời hiệu có "đòi" lại tài sản được không?

Chủ đề   RSS   
  • #610031 29/03/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 501 lần


    Không yêu cầu thi hành án dân sự, lúc hết thời hiệu có "đòi" lại tài sản được không?

    Khi có quyết định từ bản án dân sự, người được thi hành án hoặc người bị thi hành án phải nộp đơn yêu cầu thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để được giải quyết thi hành án. Tuy nhiên, có nhiều điều kiện khách quan lẫn chủ quan mà đương sự không nộp đơn yêu cầu thi hành án, dẫn đến hết thời hiệu thi hành án.

    Vậy, hết thời hiệu thi hành án dân sự thì có được yêu cầu thi hành án tiếp không? Thời hiệu thi hành án dân sự là bao lâu?

    (1) Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự

    Theo khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008, thời hiệu yêu cầu thi hành án được quy định như sau:

    - Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

    - Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

    - Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

    Như vậy, thời hiệu để yêu cầu thi hành án dân sự là 05 năm, nếu sau thời gian này, người được thi hành án không yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án thì bản án đó được xem là hết hiệu lực, trừ khi người được thi hành án có thể chứng minh mình có lí do không làm yêu cầu thi hành án đúng hạn được.

    (2) Yêu cầu thi hành án quá hạn.

    Căn cứ vào khoản 2, khoản 3 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008, được hướng dẫn tại Điều 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, có thể yêu cầu thi hành quá hạn trong các trường hợp sau:

    - Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

    - Trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc không thể yêu cầu thi hành án trong thời hiệu theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì đương sự có quyền đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn.

    Theo đó, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    - Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa;

    - Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.

    Như vậy, nếu người nào thuộc các trường hợp này có thể yêu cầu thi hành án quá hạn, trong đơn yêu cầu thi hành án phải nêu rõ lý do, kèm theo tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.

    (3) “Đòi” lại tài sản khi hết hiệu lực thi hành án!!

    Theo Án lệ 50/2021/AL, Ông N. và bà L. là vợ chồng từ năm 1963, có ngôi nhà ở Thôn B, xã X diện tích 1.490m2. Năm 1968 ông N thoát ly ra miền Bắc đến năm 1975 ông N về quê thì bà T đã có chồng khác nên ông bà xin ly hôn.

    Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 43/DSPT ngày 13/5/1977, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên đã xử cho ông N và bà T ly hôn. Về tài sản, ông N được quyền sử dụng một phần đất trong khuôn viên thửa đất nói trên, phần đất này có ngôi mộ của bố ông N, có bản vẽ phân chia ranh giới do Tòa án lập kèm theo bản án.

    Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, ông N đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, nhưng chưa yêu cầu thi hành án. 

    Năm 2001 ông N về quê xây nhà thờ tổ tiên thì bà T cản trở, nên ông khởi kiện yêu cầu bà T trả lại tài sản là quyền sử dụng đất theo bản án, yêu cầu bà T phục hồi lại hiện trạng ranh giới như bản án đã phân chia.

    Bị đơn bà Nguyễn Thị T thừa nhận có kết hôn với ông N, sau đó ly hôn theo Bản án số 43 ngày 13/5/1977. Từ ngày có bản án, người được thi hành án là ông N không có đơn yêu cầu thi hành án nên bà T không chấp nhận trả lại đất cho ông N.

    Tình tiết xử án như sau:

    - Tại Bản án dân sự sơ thẩm: Chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Văn N buộc bà Nguyễn Thị T trả lại quyền sử dụng đất diện tích 452,85m2. Sau khi xét xử sơ thẩm, bà T kháng cáo.

    - Tại Bản án dân sự phúc thẩm: Hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm. Đình chỉ việc giải quyết vụ án. Trả lại đơn khởi kiện cho ông Nguyễn Văn N. Sau khi xét xử phúc thẩm, ông N khiếu nại.

    -Tại Quyết định kháng nghị: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị đối với Bản án dân sự phúc thẩm với nhận xét: Ông N có quyền kiện đòi tài sản bằng vụ án dân sự mới. Tòa án cấp phúc thẩm xác định ông N không có quyền khởi kiện trả lại đơn khởi kiện cho ông N là không hợp lý. Đề nghị Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm. 

    - Tại phiên tòa giám đốc thẩm: đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

    Như vậy, sự việc trên là do ông N không yêu cầu thi hành án đối với Bản án ly hôn với bà T, thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết hạn. Nếu còn thời hiệu thi hành án thì ông N có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thực hiện giao đất theo Bản án số 43/DSPT ngày 13/5/1977, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên giải quyết về việc ly hôn của ông N và bà T. Tuy nhiên, nay đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì ông N có quyền khởi kiện đòi lại tài sản bằng vụ án dân sự mới. Trong trường hợp này, nếu không có căn cứ xác định ông N đã từ bỏ quyền tài sản thì phải chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N.

    Giống như câu nói “cái gì là của mình, thì nó sẽ là của mình” có lẽ rất hợp với tình huống này!!!

    Tải để xem Án lệ số 50/2021/AL

    https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/03/29/%C3%81n%20l%E1%BB%87%2050.docx

    (4) Kết luận

    Như vậy, sau khi có quyết định từ bản án của tòa án, người được thi hành án hoặc người bị thi hành án phải nộp đơn yêu cầu thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để giải quyết thi hành án, thời hiệu là 05 năm.

    Tuy nhiên, nếu có lí do hợp lý như rơi vào các trường hợp tạm hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, do sự kiện bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì vẫn có thể yêu cầu thi hành án tiếp tục theo quy định của pháp luật.

    Ngoài ra, như trong Án lệ số 50, mặc dù hết thời hiệu thi hành án, nhưng nếu có các bằng chứng, bản án chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản thì vẫn có thể khởi kiện vụ án bằng một vụ án đòi lại tài sản mới.

     
    2225 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (04/06/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận