Ngày 12/7/2014, ông Vũ Văn Vườn, trú tại thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình gửi “Đơn đề nghị” đến các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương (đơn được Phó Chủ tịch UBND xã ký và đóng dấu xác nhận), cho biết: Hiện nay ở huyện Hưng Hà có một nhóm người chuyên cho vay nặng lãi và đi đòi nợ thuê. Chúng đã xiết nợ được 3 ngôi nhà của những người dân thị trấn Hưng Hà. Công an huyện kỳ công mai phục, đến tháng 10/2013 mới bắt quả tang các đối tượng do Nguyễn Thị Bình cầm đầu khi cưỡng đoạt tài sản tại nhà cô Hồng ở thôn Bùi Xá, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà. Tổng số tiền của 3 người bị hại là 76.000.000 đồng. Công an huyện khởi tố và Viện Kiểm sát huyện truy tố Nguyễn Thị Bình về hành vi “cưỡng đoạt tài sản” quy định tại khoản 2 Điều 135 Bộ Luật Hình sự (có các mức hình phạt trong “khung” từ 3 đến 10 năm tù). Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát huyện, đây là vụ án hình sự rất nghiêm trọng vì vụ án có tổ chức và có vũ khí nóng. Điều nghiêm trọng nhất là các bị cáo cưỡng đoạt tài sản tái đi tái lại nhiều lần.
Vụ án đã được đưa ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Án sơ thẩm do tòa án huyện xử tuyên phạt Nguyễn Thị Bình 3 năm tù giam. Án phúc thẩm do tòa án tỉnh xử tuyên phạt bị cáo này 3 năm tù giam nhưng cho hưởng án treo. Theo Hội đồng xét xử phúc thẩm, bị cáo có nhiều tình tiết để xem xét cho hưởng án treo như: chưa có tiền án tiền sự, đang nuôi con nhỏ, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải. Gia đình bị cáo hiện đang nuôi dưỡng mẹ chồng là vợ liệt sĩ. Bà nội (bên chồng bị cáo) là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các bị hại có đơn xin giảm hình phạt cho bị cáo. Bị cáo có nơi cư trú ổn định.
Ông Vườn cho biết dư luận không đồng tình với 2 bản án của 2 phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và hỏi:
Đối với người bị kết án, trường hợp nào thì được hưởng án treo; trường hợp nào thì không được hưởng án treo?
Trà lời:
1. Người phạm tội là người "chủ mưu", "cầm đầu", "tái phạm" nằm trong diện các đối tượng phải “nghiêm trị” theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ Luật Hình sự. Toà sơ thẩm áp dụng mức thấp nhất: 3 năm tù giam (trong “khung” từ 3 đến 10 năm) đối với bị cáo mà theo luật, thuộc diện phải "nghiêm trị" là việc làm không đúng “nguyên tắc xử lý” đã được Bộ luật này quy định.
2. Bộ Luật Hình sự quy định: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến 5 năm” (khoản 1 Điều 60).
Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Hưng Hà và Đơn đề nghị của ông Vũ Văn Vườn (được UBND xã xác nhận), đây là vụ án “có tổ chức”; bị cáo “tái đi tái lại nhiều lần”. Bị cáo Nguyễn Thị Bình “cầm đầu” nhóm cưỡng đoạt.
Tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn như sau: “Không cho hưởng án treo nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị quy định tại khoản 2 Điều 3 của Bộ luật hình sự bao gồm: người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp…”.
Căn cứ hướng dẫn nêu trên của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao thì không có “ngoại lệ” cho hưởng án treo đối với người bị kết án là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy; tái phạm nguy hiểm, phạm tội có tổ chức, cho dù “bị cáo có nhiều tình tiết để xem xét” như nhận định (đã nêu ở phần trên) của Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Thái Bình./.
(Luật gia, Nhà báo Nguyễn Chấn - Chuyên viên cao cấp, Hãng Văn phòng Luật sư NewVision)
Cập nhật bởi luatsutraloi3 ngày 26/10/2014 08:39:32 CH