Phê bình học sinh - Ảnh minh họa
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ 1/11/2020. Thông tư ban hành điều lệ của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung học phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có quy định về các hình thức kỷ luật đối với học sinh.
Trước đây, quy định liên quan đến khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông được quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BGDDT. Tại Khoản 2 Điều 42 của Thông tư này có quy định:
“2. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức sau đây:
a) Phê bình trước lớp, trước trường;
b) Khiển trách và thông báo với gia đình;
c) Cảnh cáo ghi học bạ;
d) Buộc thôi học có thời hạn.”
Trong những hình thức kỷ luật trên, dường như hình thức phê bình trước lớp, trước trường là hình thức phê bình có tính chất răn đe nhẹ nhất, chủ yếu nhằm hướng các em học sinh tới việc nhận lỗi, kiểm điểm lại hành vi của minh trước tập thể.
Tuy nhiên, hiện nay Thông tư 32/2020/BGDĐT thay thế cho Thông tư 12 đã thay đổi quy chế kỷ luật này tại Khoản 2 Điều 38 như sau:
“2. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
b) Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”
Có thể thấy về cơ bản các hình thức xử lý khi học sinh vi phạm khuyết điểm vẫn được giữ nguyên, nhưng đã không còn quy định về việc phê bình trước lớp, trước trường và cảnh cáo ghi học bạ.
Việc bỏ hình thức kỷ luật phê bình trước lớp, trước trường phần nào thể hiện sự tiến bộ, thay đổi trong tư duy giáo dục. Việc “nhắc nhở, giúp đỡ, động viên các em khắc phục khuyết điểm” thay vì phê bình trước cả lớp, trước toàn trường giúp học sinh cảm nhận được tình thương và sự quan tâm, tôn trọng các em của thầy cô.
Ngoài ra, việc phê bình trước nhiều người còn dễ làm các em cảm thấy tự ti, như vậy càng khó khăn trong việc thay đổi và nhận thức về hành vi vi phạm của mình. Đối với những em vẫn cố tình không chấp hành, vẫn còn những hình thức kỷ luật khác mang tính răn đe cao hơn nên không cần quá lo ngại về việc kỷ luật không mạnh tay sẽ không tác động được đến các em.
Trong Nghị định 32 còn một số thay đổi đáng chú ý, trong đó cho phép các em học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học với mục đích phục vụ việc học tập nếu được giáo viên cho phép:
"Điều 37. Các hành vi học sinh không được làm
...
4. Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
..."
Quy định trên nhằm nâng cao hiệu quả việc học tập, giảng dạy trong nhà trường, tạo điều kiện cho học sinh tra cứu, ghi chép kiến thức dễ dàng hơn.
Theo bạn đọc, sẽ có thể có những vướng mắc, hạn chế nào khi thực hiện những quy định mới này, xin mời góp ý.
Cập nhật bởi hiesutran159 ngày 02/11/2020 09:14:59 SA