Tại Điều 35 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người bị thương có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị công nhận thương binh.
Tại Khoản 1 Điều 39 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định người khi bị thương thuộc quân đội quản lý thì cơ quan quân đội có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận bị thương, giới thiệu khám giám định thương tật và ban hành Quyết định trợ cấp thương binh đối với quân nhân bị thương (kể cả trường hợp đang tại ngũ và đã xuất ngũ).
Căn cứ tại Điều 49 Nghị định 131/2021/NĐ-CP như sau: người bị bệnh là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội do Thủ trưởng Trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên; người bị bệnh là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong công an do thủ trưởng đơn vị trực thuộc bộ hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh. Theo đó, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận bệnh binh để hưởng chế độ ưu đãi được quy định như trên.
Tuy nhiên, hiện nay đã có đối tượng lợi dụng vào vấn đề giả hồ sơ thương bệnh binh này để lừa đảo chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng, cụ thể vấn đề này như sau:
1. Thông tin chi tiết việc giả hồ sơ thương bệnh binh để lừa đảo
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh tiếp nhận đơn trình báo của bị hại về việc bị đối tượng lừa đảo, tự nhận "chạy" được các chế độ chính sách như trợ cấp khuyết tật, chế độ bệnh binh cho nhiều người. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Cơ quan An ninh điều tra đã áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, làm rõ đối tượng và hành vi phạm tội. Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan An ninh điều tra xác định: Để có tiền tiêu xài cá nhân, lợi dụng nhu cầu muốn hưởng chế độ chính sách của nhiều người, Phạm Văn Yên đã gian dối, tự nhận là thành viên của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, là Phó Giám đốc Văn phòng đại diện của Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử tại tỉnh Thái Bình có thể làm giúp nhiều người được chế độ trợ cấp khuyết tật, chế độ bệnh binh hàng tháng.
Trong khoảng thời gian từ tháng 1/2023 đến tháng 2/2024 đã có khoảng 100 người bị hại đưa tiền cho Yên để làm chế độ bệnh binh, chế độ khuyết tật, tổng số tiền Yên chiếm đoạt được là hơn 1 tỷ đồng.
2. Những quy định pháp luật liên quan đến việc giả hồ sơ thương bệnh binh để lừa đảo
Căn cứ theo Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 thì phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015;
Cũng như căn cứ Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức được quy định cụ thể như sau:
Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
- Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;
- Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
- Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
- Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
-S ử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
- Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy, Ngành lao động - thương binh và xã hội mới có thẩm quyền hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của Nhà nước về chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội; nêu cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo trước các chiêu trò "chạy chế độ" của các đối tượng. Khi cần tìm hiểu hoặc làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ chính sách người có công với cách mạng hoặc bảo trợ xã hội cần vào các trang Web chính thức của Chính phủ, ngành lao động - thương binh và xã hội; phải liên hệ trực tiếp với cán bộ chuyên môn làm công tác lao động - thương binh và xã hội các cấp để được hướng dẫn, giải quyết.
Ngành lao động - thương binh và xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về điều kiện, trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị hưởng chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng và các đối tượng bảo trợ đề mọi tầng lớp nhân dân biết và thực hiện nghiêm túc. Tăng cường công tác nắm tình hình cơ sở, khi phát hiện thông tin có đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật phải trao đổi, báo tin ngay cho lực lượng Công an để có biện pháp theo dõi, xử lý.