Mở một doanh nghiệp mới là cả một thách thức to lớn. Không những thế, mỗi loại hình doanh nghiệp lại có những vướng mắc riêng. Doanh nghiệp sản xuất có cái khó của doanh nghiệp sản xuất, không giống doanh nghiệp bán lẻ hay công ty tư vấn. Tuy nhiên, vẫn có một số nguyên tắc chung mà bạn phải tuân thủ trong quá trình thành lập doanh nghiệp sau khi đã lên được ý tưởng và ngân sách.
1. Đánh giá tính khả thi của ý tưởng
Einas Ibrahim, người sáng lập Talem Advisory - một công ty tư vấn khởi nghiệp có trụ sở ở thành phố New York, cho biết sai lầm lớn nhất mà các doanh nhân mới hay mắc phải là mải mê theo đuổi ý tưởng mà quên không tìm hiểu nhu cầu thị trường. Đáng ra, nếu doanh nghiệp của bạn có ý định bán một sản phẩm mới thì trước hết bạn phải chắc chắn rằng người tiêu dùng cần đến nó và sẵn sàng bỏ tiền ra mua. Biết đâu từ trước đến giờ, sản phẩm của bạn không tồn tại là vì không ai cần đến nó cả.
"Đừng vội lao vào kinh doanh khi bạn chưa biết ý tưởng có khả thi hay không. Hãy chắc chắn rằng nhu cầu thị trường là có, rằng khách hàng muốn nó. Nhiều khi ý tưởng của người làm kinh doanh không trùng với mong muốn của khách hàng” - Ibrahim chia sẻ.
Với các doanh nghiệp ấp ủ những giấc mơ lớn, nghiên cứu thị trường là điều tối quan trọng. Hãy thực hiện nó để đảm bảo khách hàng thỏa mãn với “những đứa con tinh thần” của bạn nếu bạn đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp tỷ đô.
"Trao đổi với các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ biết ngay kết quả. Các nhà đầu tư sẽ không mặn mà nếu ý tưởng quá nhỏ. Chẳng hạn, nếu tiềm năng của cả thị trường chưa đến 500 triệu USD thì chẳng nhằm nhò gì với một nhà đầu tư mạo hiểm” - Ibrahim khẳng định.
2. Xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách
Ngay cả những phương án kinh doanh hay nhất cũng có lúc gặp thất bại. Chính vì thế, muốn thành công, doanh nghiệp phải lường trước được những kịch bản bất ngờ nhất và luôn có sẵn câu trả lời trong mọi tình huống.
Leonard Greent, người sáng lập kiêm Chủ tịch The Green Group - một công ty tư vấn kế toán và thuế ở New Jersey, đồng thời là giảng viên quản trị kinh doanh tại Đại học Babson khuyên: "Hãy lên kế hoạch vận hành doanh nghiệp. Đây là cách bạn đưa ra quyết định nháp trước khi phải đưa ra quyết định thực sự”.
Những quyết định nháp ấy phải bao quát mọi thứ, từ sứ mệnh của doanh nghiệp cho đến loại hình, cơ cấu tổ chức (trách nhiệm hữu hạn, cổ phần hay tư nhân) và chính sách hoàn vốn.
Khi làm dự toán ngân sách, hãy để doanh thu trong năm đầu tiên bằng 0 vì theo kinh nghiệm của Green: “Nhiều khi bạn bán được hàng nhưng để thu tiền của khách có thể phải mất vài tháng. Trong khi đó, bạn phải trả tiền thuê địa điểm, tiền điện nước, tiền nhập hàng, lương, thưởng".
3. Xây dựng đội ngũ nhân sự vững mạnh
Có lẽ bước tiến quan trọng nhất cho một doanh nghiệp mới là hình thành được đội ngũ nhân viên phối hợp hài hoà, ăn ý với nhau để cùng tạo ra sản phẩm. Mark Coopersmith - một doanh nhân lão làng trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời là uỷ viên cấp cao của Trường Quản trị Kinh doanh Haas thuộc Đại học California ở Berkeley chia sẻ: “Nhiều doanh nhân có biệt tài kết nối mọi người thành một mạng lưới quan hệ chặt chẽ, đó là lợi thế rất lớn của họ”.
Những thành viên trong đội ngũ nhân sự của bạn cần có chung quan điểm với bạn về cách điều hành doanh nghiệp. Coopersmith khẳng định: “Yếu tố cực kỳ quan trọng ở đây là tinh thần đồng đội, tinh thần tập thể. Bạn phải xây dựng tinh thần đó cho nhân viên của mình ngay từ đầu. Nếu nhân viên, đối tác và bản thân bạn đồng chí hướng, bạn có thể dựa vào đó để đưa ra các quyết sách phù hợp".
Dẫn lời của cố bậc thầy về quản trị Peter Drucker - người cách đây 60 năm đã viết: doanh nghiệp có duy nhất hai chức năng nòng cốt là marketing và đổi mới, hay nói cách khác, doanh nghiệp tồn tại để xây dựng và bán sản phẩm, Coopersmith khẳng định: “Tôi sẽ đảm bảo rằng đội ngũ nhân sự của mình sẽ hội tụ cả hai kỹ năng đó”.
Ngoài ra, bạn sẽ cần một đội ngũ có đầu óc thực tế và khả năng phối hợp với nhau vào những giai đoạn khó khăn. Hãy ngồi lại với những thành viên chủ chốt trong đội ngũ nhân sự và lên phương án cho mọi bất trắc. Green lấy ví dụ: “Điều gì sẽ xảy ra nếu đối tác của bạn bị tàn phế, lâm trọng bệnh hay ly hôn?”, hay “Nếu đột nhiên việc kinh doanh đi xuống, ta phải đi vay ngân hàng thì sao?”. Không phải bạn hay tôi mà là chúng ta sẽ phải cùng giải quyết những tình huống đó.
4. Xây dựng hệ thống trợ giúp
Hành trình doanh nhân có vẻ như là một chuyến đi độc hành. Nhưng trước khi thực hiện chuyến đi đó, bạn phải chắc chắn rằng mình có những người luôn yêu thương, ủng hộ mình. Họ là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu cho bạn và doanh nghiệp của bạn.
Margaux Guerard, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Marketing của Memi - một công ty chuyên sản xuất các loại trang sức thông minh dành cho phụ nữ, chia sẻ: "Tôi luôn nói rằng để thành lập một doanh nghiệp cần phải có cả một làng theo sau. Một mình bạn sẽ không thể làm được. Bạn cần phải có sự ủng hộ về mặt tinh thần của gia đình, bạn bè, người thân để có thể vượt qua những sóng gió”.
Guerard từng làm Giám đốc kinh doanh tại Diane von Furstenberg nhưng nghỉ việc để cùng Leslie Pierson thành lập Memi vào năm 2012. Bước đường khởi nghiệp của cô giống như một cơn lốc xoáy, ngày nào cũng để lại đủ mọi cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố. Để giữ phong độ ổn định, cô phải dựa rất nhiều vào người thân.
Guarard chia sẻ: "Tôi thấy mình giống như đội trưởng đội cổ động cho công ty. Khi mọi người đều nói “không”, tôi sẽ phải lấy hết sức khua chiêng, gióng trống, gõ phèn la và gào to hết mức có thể “có, có, có”. Khi tôi cảm thấy nản lòng và muốn buông bỏ, tôi sẽ cần đến sự trợ giúp để tiếp tục làm được việc đó. Ai sẽ là người tôi có thể trông cậy nếu không phải là gia đình, bạn bè và chồng con”.
5. Đáp lại những phản hồi và tiến hành cải tiến
Khi thai nghén ý tưởng sản xuất áo khoác có mũ, Bayard Winthrop - người sáng lập kiêm Chủ tịch của American Giant, công ty có trụ sở ở San Francisco - đã làm các mẫu cho hàng trăm khách hàng thử để trưng cầu ý kiến xem chất liệu vải có được không? Có cứng quá, mềm quá hay dính quá không?
Theo Winthrop, nếu không xin những phản hồi cụ thể như thế từ phía khách hàng tiềm năng, bạn không thể biết ý tưởng của mình sẽ đi đến đâu. Ông cho biết: “Chúng tôi đã phải làm tất cả mọi thứ, từ thiết kế, đưa lên website cho đến sản xuất thử 100 mẫu và mang đến tận tay người tiêu dùng”.
American Giant ra đời năm 2012 đã làm thay đổi mọi suy nghĩ về áo khoác có mũ quá phổ biến hiện nay. Trước khi khai trương công ty, Winthrop đã phải tham khảo ý kiến của khách hàng về mọi thứ: măng séc, dáng áo, kiểu mũ, thậm chí cả khóa kéo. Quá trình chỉnh sửa và hoàn thiện mẫu áo không thôi đã mất 6 tháng.
"Trong thế giới hạn hẹp của những chiếc áo khoác, việc làm ra một sản phẩm chuẩn giống như là nấu một bữa ăn ngon. Bạn phải cho mọi người nếm thử và hỏi xem họ có sẵn sàng trả tiền để được thưởng thức không?" - Winthrop nói.
Những phản hồi của khách hàng cũng là căn cứ để nhà vật lý học Mitesh Patel - đồng sáng lập Docphin - thay đổi công nghệ của mình. Công nghệ này bắt nguồn từ ý tưởng hỗ trợ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tiếp cận nhanh các bài nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí y học. Nó nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của người dùng.
Tuy nhiên, do thủ tục đăng ký quá rườm rà, phức tạp nên nhiều người dùng chán nản thoát ra. Nhận thấy điều này, Docphin đã thu gọn lại quy trình, lược bớt một số câu hỏi cho người truy cập lần đầu, từ đó giảm thời gian đăng ký xuống còn 2 phút. Thế là khách hàng quay lại ầm ầm và tới thời điểm này, có tới 500 bệnh viện lớn nhỏ trên đất nước Mỹ sử dụng dịch vụ của Docphin.
Patel chia sẻ: "Với chúng tôi, điều quan trọng nhất là tìm ra thứ mà khách hàng cần và đem nó đến với khách hàng một cách nhanh nhất. Ở đây, cái mà khách hàng thực sự cần là tốc độ”.
Với những doanh nghiệp mới, liên tục đổi mới là yêu cầu bức thiết. David Rush, đồng sáng lập kiêm CEO của Earshot, một công ty có trụ sở ở Chicago chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng qua mạng xã hội, khẳng định: “Bạn phải luôn nghĩ xem làm cách nào để cải tiến thứ mà bạn đang có, làm cho nó tốt hơn”. Phi vụ kinh doanh đầu tiên của Rush là một ứng dụng có tên Evzdrop cho phép những người lạ nhưng ở cùng một địa điểm có thể liên lạc với nhau. Khách hàng phản hồi với Rush là họ muốn ứng dụng này truy cập được các mạng xã hội đang được sử dụng phổ biến. Thấy có cơ hội kinh doanh rộng mở hơn, Rush đã tập trung cải tiến ứng dụng và đến tháng 10/2013, Evzdrop trở thành Earshot.
"Bạn phải ý thức sâu sắc tầm quan trọng của việc cập nhật thông tin liên quan đến khách hàng hay môi trường cạnh tranh của bạn và hiểu được những gì chúng phản ánh để rút ra kinh nghiệm và liên tục cải tiến mình. Bạn không bao giờ được thỏa mãn với bản thân".
(Dịch từ Entrepreneur)