KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Chủ đề   RSS   
  • #377663 05/04/2015

    QuyetQuyen945
    Top 50
    Male
    Lớp 11

    Quảng Trị, Việt Nam
    Tham gia:28/10/2010
    Tổng số bài viết (1229)
    Số điểm: 15298
    Cảm ơn: 371
    Được cảm ơn 490 lần


    KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

    "Vô phúc đáo tụng đình" đó là câu nói quen thuộc của người xưa và cho đến giờ thì theo tôi vẫn còn nguyên giá trị. Những ai đã một lần "đáo tụng đình" thì càng hiểu và thấm nhuần giá trị câu nói đó. Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế và những chuyển biến của xã hội, những quan hệ xã hội ngày càng phức tạp và luôn tiềm ẩn những rủi ro, tranh chấp... Mỗi ai trong chúng ta cũng đều có thể có ít nhất một lần phải "đáo tụng đình" để giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống của mình. Nhằm trang bị cho đọc giả của blogPháp luật cho mọi người có được những thông tin hữu ích về pháp luật, trong phạm vi bài viết này tác giả xin chia sẻ với quý vị đọc giả những điều cơ bản nhất khi chuẩn bị khởi kiện một vụ án Dân sự theo nghĩa rộng (Dân sự thuần túy; Hôn nhân gia đình; Kinh doanh thương mại; Lao động).

    Để khởi kiện một vụ án dân sự nói chung thì người khởi kiện cần phải xác định được những vấn đề sau:
     
    1. Điều kiện khởi kiện
    1.1. Quyền khởi kiện
    Nói đến điều kiện khởi kiện thì điều đầu tiên cần nhắc đến là quyền khởi kiện. Quyền khởi kiện được chia ra cho hai nhóm, nhóm thứ nhất là khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình, được quy định tại Điều 163 Bộ luật tố tụng Dân sự, theo đó khi cá nhân, cơ quan, tổ chức nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì có quyền khởi kiện để bảo vệ.

    Nhóm thứ hai, là khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, được quy định tại Điều 164[1] Bộ luật tố tụng Dân sự, trong phạm vi bài viết này tác giả chỉ đề cập tới nhóm thứ nhất, không đề cập đến nhóm thứ hai.
     
    Tóm lại, đối với Quyền khởi kiện thì điều cơ bản nhất người khởi kiện cần biết đó là khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể tự mình hoặc thông qua người khác để khởi kiện.
     
    Ví dụ: Ngày 05/10/2012 ông A cho ông B vay 100.000.000 đồng, thời hạn vay là 01 năm, hợp đồng không đề cập đến mục đích vay tiền. Như vậy trong trường hợp này ông A chỉ có quyền khởi kiện ông B khi hết thời hạn vay theo thỏa thuận (sau ngày 06/10/2013), còn trong thời hạn vay thì ông A không có quyền khởi kiện hay nói cách khác là chưa đủ điều kiện để khởi kiện ông B.
     
    Một điều xin quý đọc giả lưu ý là: Khái niệm quyền khởi kiện không đồng nghĩa với thắng kiện, việc thắng kiện hay không không thì cần phải thông qua quá trình giải quyết và khi có Bản án, Quyết định có hiệu lực của Tòa án mới xác định được, còn quyền khởi kiện chỉ là điều kiện ban đầu để khởi kiện.

    1.2 Năng lực hành vi tố tụng dân sự
    Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.
    Về năng lực hành vi tham gia tố tụng thì có thể chia thành hai nhóm:
     
    Đối với cơ quan, tổ chức: Người đại diện theo pháp luật là người có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng, người đại diện theo pháp luật có thể ủy quyền cho người khác có đủ điều kiện để tham gia tố tụng.
     
    Đối với cá nhân: Tùy vào độ tuổi và thể chất thì pháp luật chia ra các trường hợp sau:
     
    Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực lực hành vi tố tụng dân sự là, trừ những người bị mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc trường hợp khác do pháp luật quy định.

    Người dưới 15 tuổi, người bị mất năng lực hành vi dân sự, thì việc bảo vệ quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của họ tại Tòa án do người đại diện theo pháp luật thực hiện.
     
    Người tử đủ 15 tuổi - chưa đủ 18 tuổi, nếu đã tham gia hợp đồng lao động hoặc thực hiện các giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình thì có thể tự mình tham gia tố tụng và có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Những quan hệ khác thì việc bảo vệ quyền, nghĩa vụ của họ do người đại diện theo pháp luật thực hiện.
     
    Trường hợp cá biệt: Đối với nữ giới từ 18 tuổi cho đến dưới 18 tuổi (từ 17 tuổi + 1 ngày - 17 tuổi 364 ngày) nếu đã kết hôn mà có yêu cầu ly hôn trong thời gian này thì có quyền tự mình tham gia tố tụng và có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng trong quan hệ hôn nhân.
     
    1.3 Thủ tục tiền tố tụng
    "Tiền tố tụng" không phải là một thuật ngữ pháp lý mà chỉ là một thuật ngữ trong khoa học pháp lý, có thể hiểu nôm na là trước công việc phải thực hiện trước khi khởi kiện.
     
    Đa số các tranh chấp trong vụ án dân sự thì không phải thực hiện thủ tục tiền tố tụng chỉ trừ một số ít quan hệ tranh chấp là phải thực hiện thủ tục tiền tố tụng, trong bài viết này tác giả xin chia sẻ hai trường hợp cần thiết phải thực hiện thủ tục tố tụng:
    Trường hợp 1: Tranh chấp chấp quyền sử đất.
    Theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Luật Đất đai 2003 thì tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
    Theo quy định tại Khoản 2 Điều 135[2] Luật Đất đai 2003 thì tranh chấp đất đai phải thông qua hòa giải tại UBND cấp xã, vì vậy khi có tranh chấp đất đai, người khởi kiện cần phải thực hiện thủ tục hòa giải mới đủ điều kiện để khởi kiện.
     
    Trường hợp 2: Tranh chấp lao động.
    Theo quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012 thì tranh chấp về lao động phải thông qua thủ tục hòa giải cơ sở trước khi khởi kiện, trừ một số trường hợp được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ Khoản Điều 202[3] thì không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải.
    Thông thường những tranh chấp lao động thường có nhiều quan hệ tranh chấp cùng một lúc, trong đó thường có tranh chấp về tiền lương, đây là quan hệ tranh chấp cần phải thực hiện việc hòa giải cơ sở, vì vậy nếu người khởi kiện, khởi kiện cùng một lúc nhiều quan hệ trong vụ án lao động nhưng trong đó có quan hệ cần phải được hòa giải tại cơ sở thì cần phải thực hiện việc hòa giải trước khi khởi kiện.
     
    Một số lưu ý:
    Theo quy định tại Điều 86[4] Luật Hôn nhân và gia đình thì điều kiện khởi kiện vụ án ly hôn không bắt buộc phải có thủ tục hòa giải cơ sở nhưng hiện này có rất nhiều Tòa án khi thụ lý vụ án ly hôn lại yêu cầu người kiện phải thực hiện việc hòa giải, trước khi khởi kiện. Vì vậy khi khởi kiện vụ án ly hôn thì người khởi kiện cần phải tìm hiểm thêm "lệ" của Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
    Tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như tranh chấp về hợp đồng tặng cho, chuyển nhượng, cho thuê…quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất (chỉ trừ trưởng hợp vợ chồng ly hôn mà có tranh chấp về quyền sử dụng đất) … thì trước đây (trước ngày 01/7/2013) tất cả phải hòa giải tại UBND cấp xã mới đủ điều kiện để khởi kiện. Tuy nhiên kể từ ngày 01/7/2013, ngày Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP có hiệu lực pháp luật thì những tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất không phải hòa giải tại UBND cấp xã vẫn đủ điều kiện khởi kiện.
     
     
    2. Thời hiệu khởi kiện
    2.1 Khái niệm
    Để hiểu khái niệm về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì trước hết cần phải biết về khái niệm thời hiệu.
    Theo quy định tại Điều 154 Bộ luật Dân sự thì "Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự"
     
    Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác[5].
     
    2.2 Thời hiệu và cách tính thời hiệu[6]
    Thời hiệu đối với các vụ án dân sự có thể chia làm hai loại:
    2.2.1 Áp dụng thời hiệu khởi kiện:
    Đối với tranh chấp dân sự mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện thì áp dụng thời hiệu khởi kiện được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đó.( thường gồm các mốc: 01 năm; 02 năm; 03 năm; 10 năm ..)
    Ví dụ 1: Đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì theo quy định tại Điều 30 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp;
    Ví dụ 2: Đối với các tranh chấp lao động cá nhân thì theo quy định tại khoản 2 Điều 202 của Bộ luật lao động, thời hiệu khởi kiện về tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm
    Ví dụ 3: Đối với tranh chấp về chia di sản thừa kế, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác thì theo quy định tại Điều 645 của Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
    2.2.2. Không áp dụng thời hiệu
    - Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản là tranh chấp ai có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó;
    Ví dụ: Tranh chấp ai có quyền sở hữu nhà ở; nếu có khởi kiện thì Tòa án thụ lý vụ án; việc chấp nhận hay không phải căn cứ vào các quy định của pháp luật.
    - Tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu là tranh chấp về tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của mình nhưng do người khác quản lý, chiếm hữu tài sản đó;
    Ví dụ: Ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của A nhưng do B đang quản lý; A có tài liệu chứng minh ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của A và khởi kiện đòi nhà thì Tòa án thụ lý; việc chấp nhận hay không phải căn cứ vào các quy định của pháp luật.
    - Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai là tranh chấp ai có quyền sử dụng đất đó.
    - Tranh chấp về yêu cầu hoàn trả tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước;
    - Tranh chấp về yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm;
     
    2.2.3 Cách tính thời hiệu
    +) Thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm và được xác định như sau:
    -  Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định thời hạn thực hiện, nếu hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết hạn thực hiện nghĩa vụ là ngày xảy ra xâm phạm;
    -  Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên không thoả thuận hoặc pháp luật không quy định thời hạn thực hiện, nhưng theo quy định của pháp luật các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho nhau biết trước trong một thời gian hợp lý, nếu hết thời hạn đã được thông báo đó bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết thời hạn đã được thông báo là ngày xảy ra xâm phạm;
    -  Trường hợp khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự, các bên có thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì việc xác định ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm căn cứ vào ngày chấm dứt thoả thuận của các bên và được thực hiện như hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều này;
    -  Trong quá trình thực hiện hợp đồng mà có vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, thì ngày vi phạm nghĩa vụ là ngày xảy ra xâm phạm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Nếu một bên đơn phương đình chỉ hợp đồng thì ngày đơn phương đình chỉ hợp đồng là ngày bị xâm phạm.
    -  Đối với trường hợp đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng,..., thì ngày xảy ra hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng,... là ngày bị xâm phạm.
    -  Trong một quan hệ pháp luật hoặc trong một giao dịch dân sự, nếu hành vi xâm phạm xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau, thì thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm cuối cùng.
     
    +) Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là khoảng thời gian phát sinh những sự kiện sau đây:
     
    - Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
    Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình;
     
    - Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
     
    - Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết;
     
    +) Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:
    -  Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
    -  Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
    -  Các bên đã tự hoà giải với nhau.
    Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện nêu trên.
     
    3. Vụ án đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hay chưa?
    Khi khởi kiện vụ án dân sự thì người khởi kiện cần phải xác định vụ án đó đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hay chưa, bởi lẽ, nếu cùng một quan hệ pháp luật tranh chấp, cùng chủ thể tham gia thì Tòa án sẽ không thụ lý những vụ án đã được giải quyết, trừ một số yêu cầu khởi kiện sau:
    -         Yêu cầu ly hôn trước đây bị Tòa án bác yêu cầu, nay tiếp tục khởi kiện yêu cầu ly hôn;
    -         Yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;
    -         Yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng;
    -         Yêu cầu thay đổi người quản lý di sản;
    -         ….
    4. Thẩm quyền giải quyết
    Xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong tranh chấp dân sự cũng là một vấn đề hết sức cần thiết, để xác định chính xác thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì người khởi kiện cần phải nắm được những quy định sau:
     
    4.1 Thẩm quyền chung:
    Không phải mọi tranh chấp dân sự đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, mà Tòa án chỉ giải quyết những tranh chấp dân sự (dân sự thuần túy, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động …) được quy định tại các Điều 25; Điều 27; Điều 29 và Điều 31 Bộ luật Tố tụng Dân sự, vì vậy khi có tranh chấp người khởi kiện cần phải xác định tranh chấp đó thuộc loại việc nào được quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự, chỉ những tranh chấp dân sự rơi vào các điều luật đã liệt kê ở trên mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nói chung.
     
    Lưu ý: Nếu như trước ngày 01/7/2014 thì những tranh chấp về quyền sử dụng đất mà một trong các bên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có các giấy tờ theo quy định tại khoản 1,2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tuy nhiên kể từ ngày 01/7/2014 trở về sau (kể từ thời điểm luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành) thì Tòa án có thêm thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất chưa có giấy chứng nhận và các giấy tờ thay thế khác, khi các đương sự có yêu cầu.
     
    4.2 Thẩm quyền theo cấp
    Khi xác định được vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì người khởi kiện cần xác định được thẩm quyền của Tòa án xét xử theo cấp là Tòa án cấp nào.
    Hệ thống Tòa án nhân dân của Việt Nam gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Tòa án nhân dân cấp huyện.
     
    Các tranh chấp dân sự được quy định tại các Điều 25; Điều 27; khoản 1 Điều 29; khoản 1, Điều 31 thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. (Trừ trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài.)
     
    Các tranh chấp dân sự được quy định tại Khoản 2, Điều 29; khoản 2 Điều 31 và những tranh chấp tại Điều 25; Điều 27; khoản 1, Điều 29, khoản 1, Điều 31 có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo thủ tục sơ thẩm.
     
    Lưu ý: Theo quy định tại Điều 7, Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP thì đương sự ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài, Cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, được hiểu như sau:
     
    1. Đương sự ở nước ngoài bao gồm:
    a) Đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
    b) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
    c) Đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
    d) Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự;
    đ) Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.
    2. Tài sản ở nước ngoài
    Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.
    3. Cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
    Cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài là trường hợp trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự cần phải tiến hành một hoặc một số hoạt động tố tụng dân sự ở nước ngoài mà Tòa án Việt Nam không thể thực hiện được, cần phải yêu cầu cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài thực hiện hoặc đề nghị Tòa án, Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
    4.3 Thẩm quyền theo lãnh thổ:
    Sau khi người khởi kiện xác định được thẩm quyền chung, thẩm quyền theo cấp thì người khởi kiện chỉ cần xác định thêm Tòa án theo lãnh thổ là người khởi kiện có thể xác định được chính xác Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp.
    Theo quy định tại khoản 1, Điều 35 thì thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự theo lãnh thổ được xác định như sau:
    a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;
    b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;
    c) Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản. 
     
    4.4. Thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn.
    Ngoài những quy định về thẩm quyền như trên, thì Điều 36, Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng quy định thêm trường hợp để người khởi kiện có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết trong một số trường hợp cụ thể:
    a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
    b) Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
    c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
    d) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;
    đ) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
    e) Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;
    g) Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
    h) Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
    i) Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.
     
    Lưu ý: Theo kinh nghiệm của tác giả, mặc dù Bộ luật Tố tụng Dân sự đã quy định rất rõ trường hợp nguyên đơn được quyền lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp người lao động khởi kiện người sử dụng lao động về việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc sa thải thì người lao động có quyền khởi kiện tại nơi cư trú của mình, nơi làm việc hoặc nơi có trụ sở chi nhánh của doanh nghiệp mà NLĐ đã làm việc. Tuy nhiên, khi nhận đơn khởi kiện thì với tâm lý muốn ít việc, các Tòa thường hướng dẫn người lao động phải khởi kiện tại Tòa án nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp, điều này gây rất nhiều khó khăn cho người lao động (vì có nhiều trường hợp địa chỉ trụ sở chính và chi nhánh rất xa nhau). Khi gặp những trường hợp này thì người lao động cần biết quy định tại điểm b, điểm đ Điều 36 để yêu cầu Tòa án nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi có chi nhánh phải thụ lý, giải quyết để thuận lợi trong quá trình tham gia tố tụng.
     
    5. Tạm ứng án phí và án phí
    Khi quyết định khởi kiện một tranh chấp dân sự ra Tòa để giải quyết thì một điều người khởi kiện cần phải biết để có sự chuẩn bị trước đó là tiền tạm ứng án phí.
     
    Hiện nay, những quy định về án phí, tạm ứng án phí được quy định tại Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 và được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn taij Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP, vì vậy khi khởi kiện thì người khởi kiện cần phải tìm hiểu ký nội dung của 02 văn bản trên để có kế hoạch về tài chính cho phù hợp.
     
    Đặc biệt, người khởi kiện cần xem xét những trường hợp được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí được quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12.

    Ngoài ra, nếu người khởi kiện không thuộc trường hợp được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, nhưng hoàn cảnh kinh tế tại thời điểm khởi kiện có nhiều khó khăn thì có thể làm đơn yêu cầu được giảm một phần (tối đa không quá ½) tiền tạm ứng án phí, án phí.
    Dưới đây là bảng mức án phí theo quy định:
    Giá trị tài sản có tranh chấp
    Mức án phí
    a) từ 4.000.000 đồng trở xuống
    200.000 đồng
    b) Từ trên 4.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng
    5% giá trị tài sản có tranh chấp
    c) Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng
    20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
    d) Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng
    36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng
    đ) Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng
    72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng
    e) Từ trên 4.000.000.000 đồng
    112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 4.000.000.000 đồng.
     
    Lưu ý: Đối với người lao động khi khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; thì sẽ được miễn toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí. Tuy nhiên đối với yêu cầu đòi tiền thưởng ( lương tháng 13 và thưởng theo doanh số) thì phải đóng tiền tạm ứng án phí và phải chịu án phí đối với những yêu cầu không được Tòa án chấp nhận, vì vậy khi khởi kiện để đòi khoản tiền thưởng thì NLĐ cần xem xét kỷ về về căn cứ để khởi kiện, tránh trường hợp phải đóng tiền án phí đối với yêu cầu khởi kiện không có căn cứ.
     
    6. Chuẩn bị Đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo (hồ sơ khởi kiện).
    Một nguyên tắc cơ bản trong Tố tụng Dân sự là: Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện. Vì vậy, muốn khởi kiện thì người khởi kiện phải có đơn khởi kiện để nêu lên yêu cầu khởi kiện của mình.
     
    Hiện nay, mẫu đơn khởi kiện được ban hành theo mẫu số 01, Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP. Tuy nhiên để soạn thảo một đơn khởi kiện có đầy đủ nội dung và phù hợp với yêu cầu khởi kiện thì không phải bất kỳ ai cũng có thể soạn thảo, vì vậy khi cần soạn thảo đơn khởi kiện, người khởi kiện nên nhờ Luật sư hoặc những người có hiểu biết về pháp luật soạn thảo, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình.
     
    Khi nộp đơn khởi kiện, người khởi kiện cần phải nộp thêm những tài liệu đính kèm để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ vào hợp pháp:
    Ví dụ 1: Khi nộp đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn thì người khởi kiện cần phải chuẩn bị tài liệu kèm theo gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; CMND, sổ hộ khẩu của người khởi kiện; Giấy khai sinh của các con (nếu có tranh chấp về con); Giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu các loại tài sản (nếu có tranh chấp về tài sản)…, các tài liệu khi cung cấp cho Tòa án cần phải là bản sao cho chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.
    Ví dụ 2: Khi nộp đơn khởi kiện về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động cần phải nộp những tài liệu kèm theo gồm:
    Hợp đồng lao động; Thông báo chấm dứt HĐLĐ; Quyết định chấm dứt HĐLĐ hoặc các văn bản chứng minh việc người sử dụng lao động đã chấm dứt HĐLĐ; CMND và sổ hộ khẩu của người khởi kiện;…
     
    Tuy nhiên, trong trường hợp vì những lý do khách quan mà tại thời điểm nộp đơn khởi kiện, người khởi kiện chưa cung cấp được những tài liệu kèm theo thì người khởi kiện có thể bổ sung theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
     
    Lưu ý: Hiện nay có một số Tòa có thêm yêu cầu đối với người khởi kiện khi nộp đơn khởi kiện cần phải nộp kèm theo một số tài liệu sau:
    1.      Giấy xác nhận nơi cư trú của bị đơn;
    2.      Giấy xác nhận giá đất tại địa phương (theo giá nhà nước + giá thị trường);
    3.      Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp;
    4.      …..
    Theo quan điểm của tác giả thì những yêu cầu trên của Tòa án là không đúng quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tuy nhiên để thuận lợi trong quá trình giải quyết vụ án thì người khởi kiện cũng cần xem xét về khả năng cung cấp các tài liệu nêu trên cho Tòa án, nếu có khả năng thì người khởi kiện cần thu thập để cung cấp cho Tòa án theo yêu cầu.
     
    7. Nộp đơn khởi kiện.
    Sau khi hoàn tất giai đoạn chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, công việc còn lại là nộp đơn khởi kiện. Theo quy định thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện theo hai hình thức: Nộp trực tiếp tại trụ sở Tòa án có thẩm quyền; Nộp qua đường bưu điện. Tuy nhiên, trên thực tế việc nộp đơn qua đương bưu điện ít được nhiều người sử dụng, bởi lẽ khi nhận được đơn khởi kiện qua đường bưu điện thì thời gian giải quyết của Tòa án tương đối lâu so với việc nộp trực tiếp, hoặc có thể bị thất lạc trong quá trình gửi.
     
    Đa phần người khởi kiện chọn giải pháp nộp đơn trực tiếp tại Tòa án, khi nộp đơn khởi kiện trực tiếp tại Tòa án thì người khởi kiện cần lưu ý một số trường hợp:
    -         Cán bộ nhận đơn thường yêu cầu bổ sung thêm những tài liệu không phù hợp với quy định của pháp luật:
    Ví dụ: yêu cầu cung cấp biên bản hòa giải tại xã, phường, thị trấn đối với yêu cầu ly hôn hoặc tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Yêu cầu cung cấp biên bản hòa giải tại cơ sở đối với tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ…
    -         Cán bộ nhận đơn “đẩy” sang một Tòa án khác.
    Đây là trường hợp tương đối phổ biến, nhất là trong những vụ án tranh chấp về việc đơn phương chấm dứt HDLĐ mà người lao động làm việc tại chi nhánh có trụ sở ngoài địa bàn quận, huyện, tỉnh so với trụ sở chính. Theo quy định của pháp luật thì trong trường hợp này NLĐ có quyền lựa chọn Tòa án nơi có trụ sở chính của người sử dụng lao động; Tòa án nơi có địa chỉ chi nhánh; Tòa án nơi cư trú của NLĐ; Tòa án nơi NLĐ làm việc, tuy nhiên khi NLĐ chọn 01 trong 04 Tòa án trên thì các Tòa thường “đẩy” cho nhau.
    Khi gặp những trường hợp này người nộp đơn cần phải yêu cầu người nhận đơn phải nhận đơn và có văn bản yêu cầu bổ sung, hoặc văn bản trả lại đơn khởi kiện nêu rõ những căn cứ pháp luật.
     
    Ngoài ra, khi nộp đơn trực tiếp thì có nhiều Tòa án không cấp biên nhận đơn khởi kiện cho người nộp đơn, trong khi việc cấp biên nhận đơn (thông báo nhận đơn khởi kiện) là quy định bắt buộc theo quy định. Vì vậy khi nộp đơn người khởi kiện cần yêu cầu cán bộ nhận đơn cung cấp biên nhận, nhận đơn khởi kiện để làm cơ sở yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
     
    Trên đây là những vấn đề cơ bản, cần biết khi khởi kiện một vụ án dân sự mà tác giả muốn chia sẻ cùng quý vị đọc giả, tác giả rất mong muốn nhận được những phản hồi từ quý bạn đọc để hoàn thiện.
    Trân trọng!

    QUYẾT QUYỀN

    Nguồn: http://thongtintuvanphapluat.blogspot.com/2014/03/khoi-kien-vu-dan-su-nhung-ieu-can-biet.html



    [1] Điều 162. Quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước
    1. Cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình trong trường hợp do Luật Hôn nhân và gia đình quy định.
    2. Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động do pháp luật quy định.
    3. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách.
    [2] Điều 135. Hoà giải tranh chấp đất đai
    2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hoà giải được thì gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp.   
    Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hoà giải tranh chấp đất đai.
    Thời hạn hoà giải là ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nhận được đơn.
    Kết quả hoà giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất. Trường hợp kết quả hoà giải khác với hiện trạng sử dụng đất thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chuyển kết quả hoà giải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định về quản lý đất đai.
    [3] Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động
    1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
    a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
    b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
    c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
    d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
    đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
    [4] Điều 86. Khuyến khích hòa giải ở cơ sở
     
    Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
    [5] Khoản 1, Điều 159 Bộ luật Tố tụng Dân sự
    [6] Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP 

     

    Cập nhật bởi QuyetQuyen945 ngày 05/04/2015 08:01:26 SA Cập nhật bởi QuyetQuyen945 ngày 05/04/2015 07:58:39 SA
     
    216891 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #396260   14/08/2015

    khoetm2
    khoetm2

    Male
    Sơ sinh

    Cần Thơ, Việt Nam
    Tham gia:27/09/2011
    Tổng số bài viết (9)
    Số điểm: 85
    Cảm ơn: 6
    Được cảm ơn 1 lần


    Luật sư Quyền cho em hỏi 

    Khoản 3, Điều 8, nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP có hướng dẫn

    . Khi xác định điều kiện khởi kiện vụ án dân sự mà đối tượng khởi kiện là quyền sử dụng đất thì thực hiện như sau:

    a) Đối với tranh chấp ai có quyền sử dụng đất thì phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 135 của Luật Đất đai.

    b) Đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì không phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục hoà giải theo quy định của BLTTDS.

    Thì Tranh chấp mà đối tượng khởi kiện là QSDĐ thì phần biệt như vậy thì cũng có trường hợp TC liên quan đến Đ Đ ko phải hòa giải tại địa phương đúng ko ạ ? hí hí

    Trẻ con học luật

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn khoetm2 vì bài viết hữu ích
    Hocvuive (24/09/2015)
  • #405380   05/11/2015

    QuyetQuyen945
    QuyetQuyen945
    Top 50
    Male
    Lớp 11

    Quảng Trị, Việt Nam
    Tham gia:28/10/2010
    Tổng số bài viết (1229)
    Số điểm: 15298
    Cảm ơn: 371
    Được cảm ơn 490 lần


    khoetm2 viết:

    Luật sư Quyền cho em hỏi 

    Khoản 3, Điều 8, nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP có hướng dẫn

    . Khi xác định điều kiện khởi kiện vụ án dân sự mà đối tượng khởi kiện là quyền sử dụng đất thì thực hiện như sau:

    a) Đối với tranh chấp ai có quyền sử dụng đất thì phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 135 của Luật Đất đai.

    b) Đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì không phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục hoà giải theo quy định của BLTTDS.

    Thì Tranh chấp mà đối tượng khởi kiện là QSDĐ thì phần biệt như vậy thì cũng có trường hợp TC liên quan đến Đ Đ ko phải hòa giải tại địa phương đúng ko ạ ? hí hí

    Đúng rồi bạn Khoetm2. Từ khi Nghị Quyết 05/2012/NQ-HĐTP có hiệu lực pháp luật thì những tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất không phải hòa giải tại UBND cấp xã như trước.

     
    Báo quản trị |  
  • #400416   24/09/2015

    Hocvuive
    Hocvuive

    Sơ sinh

    Hải Phòng, Việt Nam
    Tham gia:05/11/2012
    Tổng số bài viết (4)
    Số điểm: 20
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 0 lần


    Cảm ơn anh rất nhiều vì bài viết rất hay và thực tế !

     
    Báo quản trị |  
  • #405337   05/11/2015

    ngockhuyettam
    ngockhuyettam

    Male
    Sơ sinh

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2015
    Tổng số bài viết (25)
    Số điểm: 170
    Cảm ơn: 7
    Được cảm ơn 6 lần


    Cảm ơn bạn rất nhiều.

    Nếu được bạn có thể cho ví dụ 01 mẫu đơn khởi kiện về một trường hợp cụ thể để mọi người tham khảo thì bài viết sẽ hoàn hảo hơn. Thân

     
    Báo quản trị |  
  • #405376   05/11/2015

    QuyetQuyen945
    QuyetQuyen945
    Top 50
    Male
    Lớp 11

    Quảng Trị, Việt Nam
    Tham gia:28/10/2010
    Tổng số bài viết (1229)
    Số điểm: 15298
    Cảm ơn: 371
    Được cảm ơn 490 lần


    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

    Quận 7, ngày ..….. tháng..…..năm 2015

    ĐƠN KHỞI KIỆN

    (Về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động)

    Kính gửi: TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 7, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

    Họ và tên người khởi kiện  : NGUYỄN QUANG......... Sinh năm 19...

    Địa chỉ                                   : …………………, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội

    Họ và tên người bị kiện       : CÔNG TY ........................ SW

    Địa chỉ                                   : Số .............. khu phố Mỹ Kim 2 (H25), phường ............., Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh

    Đại diện theo pháp luật       : Ông KIM ……………. Chức vụ: Tổng giám đốc

    Yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau đối với bị đơn:

    NỘI DUNG SỰ VIỆC

    Tôi bắt đầu làm việc tại Công ty ..................SW (dưới đây gọi tắt là “Công ty SW”) từ ngày 01/10/2014, theo hợp đồng lao động số QGA-06-25/2014 với thời hạn hợp đồng lao động là 12 tháng (từ ngày 01/10/2014 đến 30/9/2015), chức danh chuyên môn là kỹ sư xây dựng; công việc phải làm: Kiểm tra bản vẽ, tính toán khối lượng, giám sát thi công và những công việc phát sinh do giám đốc dự án yêu cầu, mức lương cơ bản hàng tháng theo hợp đồng lao động là 13.582.000 đồng.

    Vào ngày 24 tháng 12 năm 2014, tôi nhận được thư điện tử của Công ty SW gửi cho tôi, kèm theo thư điện tử là Biên bản kỷ luật số QGB-03-03/WL ngày 23 tháng 12 năm 2014 do Văn phòng đại diện của Công ty SW tại Hà Nội lập và Quyết định về việc cho thôi việc số QGA-03-22/CTV ghi ngày 06/12/2014. Theo Biên bản kỷ luật số QGB-03-03/WL và Quyết định số QGA-03-22/CTV thì Công ty SW quyết định cho tôi thôi việc kể từ ngày 23/12/2014 với lý do: sáng ngày 15, ngày 16, ngày 17 tháng 12 năm 2014 tôi đã tự ý nghỉ việc không theo quy định của công ty.

    Kính thưa Quý Tòa, việc Công ty SW đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với tôi như trên là trái pháp luật bởi lẽ:

    Về căn cứ chấm dứt: Công ty SW lấy lý do: Sáng ngày 15, ngày 16, ngày 17 tháng 12 năm 2014 tôi đã tự ý nghỉ việc không theo quy định của công ty để làm căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động là không phù hợp theo quy định tại khoản 1, Điều 38 Bộ luật Lao động 2012.

    Về thời hạn báo trước: Công ty SW đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với tôi nhưng không thông báo trước cho tôi ít nhất 30 ngày là vi phạm quy định điểm b, khoản 2, Điều 38 Bộ luật Lao động 2012.

    Việc Công ty SW đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với tôi đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi.

    Vào ngày 21 tháng 01 năm 2015, Phòng lao động thương binh xã hội Quận 7 đã tiến hành hòa giải tranh chấp giữa tôi và Công ty SW nhưng buổi hòa giải không thành.

    Nay tôi căn cứ vào Điều 38; Điều 41; Điều 42 Bộ luật Lao động 2012; Điều 161; Điều 31; Điều 33;  điểm a Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011) khởi kiện Công ty ....... SW, yêu cầu Tòa án nhân dân Quận 7 thụ lý, giải quyết những vấn đề sau đối với bị đơn:

    -         Công ty ....... SW phải hủy bỏ Quyết định về việc cho thôi việc số QGA-03-22/CTV ghi ngày 06/12/2014;

    -         Công ty .......... phải nhận tôi trở lại làm việc theo hợp đồng lao động số QGA-06-25/2014;

    -         Công ty ........... SW phải trả tiền lương trong những tôi không được làm việc tại Công ty SW, tính từ ngày 23/12/2014 đến thời điểm nhận tôi trở lại làm việc, tôi tạm tính đến ngày 23/6/2015, tương đương với số tiền:

    13.582.000 x 6 = 81.492.000 đồng (tám mươi mốt triệu, bốn trăm chính mươi hai ngàn đồng); (1)

    -         Công ty TNHH xây dựng SW phải trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những tôi không được làm việc tại Công ty SW, tính từ ngày 23/12/2014 đến thời điểm nhận tôi trở lại làm việc, tôi tạm tính đến ngày 23/6/2015, tương đương với số tiền: (21% x 13.582.000) x 6 = 17.113.320 đồng;(2)

    -         Công ty TNHH xây dựng SW phải bồi thường cho tôi 02 tháng tiền lương tương đương với số tiền: 13.582.000 x 2 = 27.1640.000 đồng;(3)

    -         Công ty TNHH xây dựng SW phải bồi thường cho tôi một khoản tiền tương ứng với tiền lương của tôi trong 30 ngày không báo trước, tương đương với số tiền của 01 tháng lương của tôi là 13.582.000 đồng.(4)

    Tổng số tiền yêu cầu bồi thường tạm tính đến ngày 23/6/2015 : (1) + (2) + (3) + (4) = 81.492.000 + 17.113.320 + 27.1640.000 + 13.582.000 = 139.351.320 đồng.

    Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án:

    Hiện nay tôi đã ủy quyền cho ông .............., CMND .................., điện thoại số ......., địa chỉ cư trú tại số .........................., thay mặt tôi liên hệ với Quý Tòa và các cơ quan liên quan có thẩm quyền để tham gia tố tụng trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Vì vậy,  tôi kính đề nghị Quý Tòa liên hệ và gửi mọi thông báo, giấy triệu tập, Quyết định... cho ông ................ để giải quyết vụ án.

    Những tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện:

    1. Hợp đồng lao động số QGA-06-25/2014 ngày 01/10/2014; (bản sao y)

    2. Quyết định cho thôi việc số QGA-03-22/CTV ghi ngày 06/12/2014; (bản sao)

    3. Biên bản kỷ luật số QGB-03-03/WL ngày 23/12/2014; (bản sao)

    4. Biên bản hòa giải tranh chấp lao động của Phòng lao động thương binh và xã hội Quận 7 ngày 21 tháng 01 năm 2015; (bản sao y)

    6. Chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của Nguyễn Quang Chính (bản sao y)

    7. Văn bản ủy quyền của tôi cho ông ………….. (bản chính)

                                                                                Người khởi kiện

     

     

     
    Báo quản trị |  
  • #405378   05/11/2015

    QuyetQuyen945
    QuyetQuyen945
    Top 50
    Male
    Lớp 11

    Quảng Trị, Việt Nam
    Tham gia:28/10/2010
    Tổng số bài viết (1229)
    Số điểm: 15298
    Cảm ơn: 371
    Được cảm ơn 490 lần


    Bạn có thể tham khảo mẫu đơn trên.

     
    Báo quản trị |  
  • #431625   23/07/2016

    quyenctu
    quyenctu

    Sơ sinh

    Cần Thơ, Việt Nam
    Tham gia:23/07/2016
    Tổng số bài viết (5)
    Số điểm: 70
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 0 lần


    Em chào Anh,

    Em nhờ anh tư vấn cho em tình huống sau với ạ:

    Hiện tại ba mẹ em có 1 mảnh đất (đất trồng cây lâu năm) theo giấy tờ xã là mảnh đất này có lối đi chung với 2 hộ khác. Nhưng 1 hộ đã có lối đi khác nên giờ lối đi còn 2 hộ sử dụng.

    Tuy nhiên, cuối năm 2015 hộ kia tiến hành xây tường rào kín nhà em không có lối đi. Nhà em đã làm đơn tố cáo lên xã. Xã có yêu cầu nhà kia dỡ bỏ nhưng sau nhiều lần nhà kia vẫn không chịu dỡ bỏ và nói nhà họ thiếu đất phải tính cả lối đi chung này mới đủ. Xã lại làm biên bản khác nói nhà em dỡ bỏ 3m làm lối đi tạm thời chờ giải quyết tiếp. Nhưng chỉ có 3m đi lại khó khăn nên nhà em đã đập bỏ hết bức tường trên ngõ chung đó.

    Khi bắt đầu đập hộ kia là 1 phụ nữ đã lấy 2 hòn gạch bự ném vào đầu và ngực ba em phải nhập viện. Ngay khi xảy ra xô xát công an xã có về cho 2 bên làm 2 biên bản thuật lại sự việc (biên bản không đuợc đọc lại cho 2 bên nghe ). còn 1 số nguời đưa ba em cấp cứu bệnh viện tỉnh. hôm sau công a xã có vào bệnh viện  lấy lời khai của ba em và nói khi nào ra viện thì đem tòan bộ giấy tờ vào xã để giải quyết. 1 tuần sau ba em ra viện có đem giấy tờ vào xã và họ giải thích là huớng của xã muốn 2 bên hòa giải, nói ba em về đợi xã trao đổi với bên kia. Nhà em đợi 1 tuần không thấy có tin gì từ phía xã.

    Tuy nhiên, trong thời gian này hộ bên kia đã nộp đơn khởi kiện lên viện kiểm sát huyện kiện nhà em phá họai tài sản (là phá vỡ bức tuờng ) đòi buộc nhà em phải xây lại bức tường đó và không chịu trách nhiệm gì về thương thích của ba em vì trong biên bản sự việc ngày xảy ra xô xát bên ấy đã ghi  nhà em đem búa đập tuờng, họ nghe thấy chạy ra, ba em lấy búa đập đầu họ, họ tránh được nên mới lấy gạch ném ba em để tự vệ.

    Mà sự thực là hộ dân kia trước giờ có tiếng lộng hành ngang ngược ở địa phương. Nên nhà em chỉ mới đặt chân tới lối đi chung thì ba em đã bị hộ kia lấy gạch ném rồi. em trai của em tránh được còn ba lớn tuổi không tránh được. Phía nhà em không có bất kỳ động thái gì gọi là tự vệ hay phản kháng luôn mà giờ bị hộ bên kia kiện ngược lại. Và hình như hộ này đã mua chuộc được một số quan chức nên có vẻ rất tự tin

    Hiện tại ba em đã ra viện. Bác sĩ kết luận: đầu bị thương khâu 3 mũi, chụp đầu chưa phát hiện bệnh nặng, nhưng xương sườn bị rạn 1 cái. không có kết luận thương tích bao nhiêu %. Ba em bị đau đớn không ít. Hộ dân kia xây dựng trái phép trên lối đi chung, gây thương tích cho ngừơi khác mà giờ còn kiện ngược lại nhà em như vậy. Em rất lo cho ba mẹ. Anh tư vấn em nên làm thế nào để ba mẹ không bị thua kiện và buộc nhà bên kia phải bồi hòan chi phí nằm viện để sau này nhà bên kia không lộng hành nữa ạ.

    Em cảm ơn Anh nhiều lắm

    Trân trọng

    Em Quyên

     
    Báo quản trị |  
  • #432011   28/07/2016

    nguyenthiphuongbv1995
    nguyenthiphuongbv1995

    Sơ sinh

    Hà Nội, Việt Nam
    Tham gia:18/07/2016
    Tổng số bài viết (13)
    Số điểm: 71
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Điều 275 BLDS 2005 có quy định: Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra , có quyền yêu cầu một trong các chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng, người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó . Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề , nếu không có thỏa thuận khác. Suy ra trong trường hơp này hộ kia phải dành 1 lối đi chung cho gia đình bạn và gia đình bạn phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề.

     

     
    Báo quản trị |  
  • #479192   20/12/2017

    ngocnga721996
    ngocnga721996

    Sơ sinh

    Hải Dương, Việt Nam
    Tham gia:20/12/2017
    Tổng số bài viết (1)
    Số điểm: 38
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 0 lần


    Gửi anh/chị,

    Anh chị cho em hỏi:

    Em có ký thỏa thuận đặt cọc mua đất nền với công ty ở quận ba đình,hà nội. Nhưng mua lô đất của dự án tại huyện Cẩm Giàng do công ty có chi nhánh, trụ sở tại huyện cẩm giàng làm chủ đầu tư thì xin hỏi luật sư em phải khởi kiện ở tòa án huyện cẩm giàng có đúng không?

    Trân trọng!

     
    Báo quản trị |  
  • #479211   20/12/2017

    hungmaiusa
    hungmaiusa
    Top 10
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:22/06/2013
    Tổng số bài viết (4119)
    Số điểm: 30115
    Cảm ơn: 963
    Được cảm ơn 1985 lần


     

    ngocnga721996 viết:

     

    Gửi anh/chị,

    Anh chị cho em hỏi:

    Em có ký thỏa thuận đặt cọc mua đất nền với công ty ở quận ba đình,hà nội. Nhưng mua lô đất của dự án tại huyện Cẩm Giàng do công ty có chi nhánh, trụ sở tại huyện cẩm giàng làm chủ đầu tư thì xin hỏi luật sư em phải khởi kiện ở tòa án huyện cẩm giàng có đúng không?

    Trân trọng!

     

     

    Chào bạn.
    Theo luật TTDS:

    Điều 40. Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu

    1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:

    b) Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;

    Theo đó, nếu bạn bàn bạc và thỏa thuận giao kết hợp đồng với chi nhánh nhưng hợp đồng là do công ty ký thì bạn có quyền lực chọn: khởi kiện tại quận ba đình hoặc huyện cẩm giàng đều được.
    Không bắt buộc "phải khởi kiện ở tòa án huyện cẩm giàng" vì đây là tranh chấp hợp đồng chứ không phải tranh chấp quyền sử dụng đất hay quyền sở hữu nhà (bất động sản). 

     
    Báo quản trị |