Theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động bị tai nạn lao động là giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật. Đây là nghĩa vụ người sử dụng lao động phải thực hiện. Trong trường hợp người sử dụng không thực hiện sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP về sửa đổi một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể tại Khoản 21 Điều 1:
"Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
...
21. Sửa đổi, bổ sung Điều 28 như sau:
“Điều 28. Vi phạm các quy định khác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
...
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
...
c) Không giới thiệu người lao động đi giám định suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động."”
Như vậy, trong trường hợp người sử dụng lao động không giới thiệu người lao động đi giám định suy giảm sức khỏe thì sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng bạn nhé.