Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì việc bào chữa không cần phải có giấy chứng nhận bào chữa nữa mà người bào chữa sẽ thực hiện đăng ký bào chữa. Và các đối tượng có thể là người bào chữa cũng có thay đổi, cụ thể:
"Điều 72. Người bào chữa
1. Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.
2. Người bào chữa có thể là:
a) Luật sư;
b) Người đại diện của người bị buộc tội;
c) Bào chữa viên nhân dân;
d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý."
Ngoài ra, tại điều 77 cũng có quy định:
"1. Những người sau đây có quyền từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa:
a) Người bị buộc tội;
b) Người đại diện của người bị buộc tội;
c) Người thân thích của người bị buộc tội.
Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này."
Theo đó, luật không có quy định rõ thế nào là người đại diện của người bị buộc tội, tuy nhiên có thể hiểu rằng đó có thể là bất cứ người nào được người bị buộc tội ủy quyền đại diện (vì có thể không là người thân của người bị buộc tội).