Khi nào pháp nhân được cử người khác ngoài người đại diện tham gia tố tụng hình sự?

Chủ đề   RSS   
  • #610358 06/04/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 583 lần


    Khi nào pháp nhân được cử người khác ngoài người đại diện tham gia tố tụng hình sự?

    Pháp nhân có bắt buộc cử người đại diện theo pháp luật thực hiện các thủ tục tố tụng không? Có trường hợp nào pháp nhân được cử người khác ngoài người đại diện tham gia tố tụng hình sự không? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên.

    Ai sẽ là người thực hiện thủ tục tố tụng khi pháp nhân tham gia tố tụng?

    Theo Khoản 20 Điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định như sau: Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định là người tham gia tố tụng.

    Theo quy định tại Điều 60, Điều 61 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:

    - Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

    - Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

    Đồng thời, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng được quy định tại Điều 434 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:

    - Mọi hoạt động tố tụng của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.

    - Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, chức vụ của mình.

    Như vậy, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân sẽ thay mặt pháp nhân tham gia các thủ tục tố tụng hình sự.

    Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là gì?

    Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015, đại diện là:

    - Là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

    - Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện.

    Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.

    Theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự 2015, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:

    - Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;

    - Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;

    - Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

    Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân.

    Như vậy, một pháp nhân có thể có một, nhiều hoặc không có người đại diện theo pháp luật

    Khi nào pháp nhân được cử người khác ngoài người đại diện tham gia tố tụng hình sự?

    Cũng tại Điều 434 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân không thể tham gia tố tụng thì xử lý như sau:

    - Trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc không thể tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của mình tham gia tố tụng. 

    Trường hợp pháp nhân thay đổi người đại diện thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

    - Tại thời điểm khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng.

    Như vậy, bắt buộc người tham gia tố tụng phải là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Người thay mặt pháp nhân tham gia tố tụng chỉ có thể dưới tư cách là người đại diện theo pháp luật: 

    - Nếu người đại diện hiện tại không thể tham gia tố tụng vì cũng đang là chủ thể tham gia tố tụng với tư cách cá nhân thì pháp nhân đó phải cử người khác làm người đại diện theo pháp luật để tham gia tố tụng.

    - Nếu không có hoặc có nhiều người đại diện thì cơ quan có thẩm quyền chỉ định một người  người đại diện theo pháp luật để tham gia tố tụng.

    Người đại diện của pháp nhân có quyền và nghĩa vụ gì khi tham gia tố tụng hình sự?

    Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân khi tham gia tố tụng được quy định tại Điều 435 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:

    Quyền của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân

    - Được thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm;

    - Được biết lý do pháp nhân mà mình đại diện bị khởi tố;

    - Được thông báo, được giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

    - Được nhận: 

    + Quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; 

    + Quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; 

    + Quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; 

    + Quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân; 

    + Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cưỡng chế; 

    + Bản kết luận điều tra; 

    + Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; 

    + Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; 

    + Bản cáo trạng; 

    + Quyết định đưa vụ án ra xét xử; 

    + Bản án, quyết định của Tòa án và quyết định tố tụng khác theo quy định;

    - Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại pháp nhân mà mình đại diện hoặc buộc phải thừa nhận pháp nhân mà mình đại diện có tội;

    - Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

    - Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật theo quy định;

    - Tự bào chữa, nhờ người bào chữa cho pháp nhân;

    - Được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa cho pháp nhân kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu;

    - Tham gia phiên tòa, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi những người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;

    - Phát biểu ý kiến sau cùng trước khi nghị án;

    - Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;

    - Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;

    - Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

    Nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân

    - Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;

    - Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

    Như vậy, khi thay mặt pháp nhân tham gia tố tụng hình sự, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân vẫn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng.

     
    462 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (30/05/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận