Trong thực tế, có khá nhiều trường hợp Luật sư bị hội đồng xét xử “đuổi” khỏi phiên tòa. Mặc dù vai trò của Luật sư được ghi nhận trong pháp luật, nhưng khi tham gia tố tụng phải tuân thủ nội quy và chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Như vậy, khi nào thì Luật sư có thể bị “đuổi” khỏi phiên tòa?
Đối với phiên tòa dân sự:
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa được xử lý như sau:
- Người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa quy định tại Điều 234 của Bộ luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị chủ tọa phiên tòa xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
- Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm nội quy phiên tòa rời khỏi phòng xử án. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự tại phiên tòa.
- Trường hợp người vi phạm nội quy phiên tòa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Nội quy phiên tòa được quy định như sau:
1. Khi vào phòng xử án, mọi người đều phải chấp hành việc kiểm tra an ninh của lực lượng có trách nhiệm bảo vệ phiên tòa.
2. Nghiêm cấm mang vào phòng xử án vũ khí, hung khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu và tài liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa, trừ vật chứng của vụ án phục vụ cho công tác xét xử hoặc vũ khí, công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.
3. Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa và ngồi đúng vị trí trong phòng xử án theo hướng dẫn của Thư ký phiên tòa; trường hợp đến muộn thì phải xuất trình giấy triệu tập, giấy mời, các giấy tờ có liên quan khác cho Thư ký phiên tòa thông qua lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa.
4. Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ.
5. Mọi người tham dự phiên tòa phải có trang phục nghiêm chỉnh; có thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ trật tự và tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa.
6. Không đội mũ, nón, đeo kính màu trong phòng xử án, trừ trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; không sử dụng điện thoại di động, không hút thuốc, không ăn uống trong phòng xử án hoặc có hành vi khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa.
7. Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của Tòa án phải có mặt tại phiên tòa trong suốt thời gian xét xử vụ án, trừ trường hợp được chủ tọa phiên tòa đồng ý cho rời khỏi phòng xử án khi có lý do chính đáng.
Người dưới mười sáu tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa.
8. Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án, trừ trường hợp đặc biệt được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa.
9. Chỉ những người được Hội đồng xét xử đồng ý mới được hỏi, trả lời hoặc phát biểu. Người hỏi, trả lời hoặc phát biểu phải đứng dậy, trừ trường hợp vì lý do sức khỏe được chủ tọa phiên tòa đồng ý cho ngồi để hỏi, trả lời, phát biểu.
Như vậy, đối với luật sư khi vi phạm các quy định của nội quy phiên tòa có thể bị chủ tọa phiên tòa ra quyết định buộc rời khỏi phòng xử án.
Đối với tòa hình sự
Nội quy phiên tòa được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự cụ thể như sau:
- Mọi người vào phòng xử án phải mặc trang phục nghiêm túc, chấp hành việc kiểm tra an ninh và thực hiện đúng hướng dẫn của Thư ký Tòa án.
- Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.
- Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án. Bị cáo phải đứng khi Kiểm sát viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố. Người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa muốn trình bày ý kiến phải được chủ tọa phiên tòa đồng ý; người trình bày ý kiến phải đứng khi trình bày ý kiến, khi được hỏi.
- Những người vì lý do sức khỏe có thể được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi.
- Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa phiên tòa cho phép.
- Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.
Cũng giống như phiên tòa dân sự, người vi phạm nội quy phiên Tòa cũng có thể bị chủ tọa phiên Tòa ra quyết đinh buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính theo quy định tại khoản 2 điều 467 Bộ luật Tố tụng Hình sự
“2. Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự phiên tòa.”
Trên thực tế, không ít trường hợp luật sư bị Chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phòng xét xử. Tuy nhiên, ở những trường hợp đó phải xem xét đến việc hành vi buộc rời khỏi phiên Tòa có đảm bảo tính khách quan hay không.
Nếu hành vi buộc rời khỏi phiên Tòa mang nhiều ý chí chủ quan của Chủ tọa phiên tòa, điều này gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động tố tụng, cũng như gây khó khăn trong hoạt động hành nghề của các Luật sư.
Cập nhật bởi Kimhuyentr ngày 29/06/2018 10:23:57 CH