Trong thời gian gần đây, chúng ta thường nghe nhắc đến thuật ngữ "hữu cơ" trên các sản phẩm thực phẩm. Vậy, khi nào thì một sản phẩm thực phẩm được phép ghi nhãn "hữu cơ"?
(1) Thực phẩm hữu cơ là gì?
Thực phẩm hữu cơ đang ngày càng trở nên phổ biến do người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và an toàn thực phẩm.
Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 109/2018/NĐ-CP quy định, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hay sản phẩm hữu cơ là thực phẩm, dược liệu (bao gồm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền), mỹ phẩm và sản phẩm khác hoặc giống cây trồng, vật nuôi; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản được sản xuất, chứng nhận và ghi nhãn phù hợp theo quy định tại Nghị định 109/2018/NĐ-CP.
Như vậy, có thể hiểu thực phẩm hữu cơ là những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, đảm bảo không sử dụng hóa chất độc hại, các sản phẩm này phải trải qua quy trình chứng nhận cũng như phải được dán nhãn “hữu cơ” theo quy định.
Theo đó, quá trình sản xuất thực phẩm hữu cơ phải tuân theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Vì vậy, việc chứng nhận và ghi nhãn đối với thực phẩm hữu cơ là cần thiết để tạo nên sự khác biệt, người tiêu dùng có thể nhận biết giữa sản phẩm hữu cơ và sản phẩm bình thường một cách dễ dàng hơn.
Việc dán nhãn và phân loại thực phẩm nào là “hữu cơ” không chỉ tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng mà còn thúc đẩy ngành nông nghiệp hữu cơ được phát triển bền vững.
(2) Khi nào được ghi nhãn “hữu cơ” cho thực phẩm?
Theo mục 5.5.2 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-1:2017 quy định, sản phẩm đã được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ mới được ghi nhãn liên quan đến cụm từ “hữu cơ”.
Dựa trên số phần trăm hữu cơ của thành phần cấu tạo nên thực phẩm (theo khối lượng đối với chất rắn hoặc tính theo thể tích đối với chất lỏng, không tính nước và muối), việc ghi nhãn “hữu cơ” cho thực phẩm phải tuân thủ theo nguyên tắc sau đây:
- Chỉ công bố sản phẩm là “100 % hữu cơ” khi sản phẩm có chứa 100 % thành phần cấu tạo là hữu cơ
- Chỉ công bố sản phẩm là “hữu cơ” khi sản phẩm có chứa ít nhất 95 % thành phần cấu tạo là hữu cơ.
Các thành phần cấu tạo còn lại có thể có nguồn gốc nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp nhưng không phải là thành phần biến đổi gen, thành phần được chiếu xạ hoặc xử lý bằng các chất hỗ trợ chế biến không được nêu trong Bảng A.2, Phụ lục A của TCVN 11041-1:2017.
- Chỉ công bố sản phẩm “được sản xuất từ các thành phần hữu cơ”, “được chế biến từ các thành phần hữu cơ”, “có chứa các thành phần hữu cơ” hoặc cụm từ tương đương khi sản phẩm có chứa ít nhất 70 % thành phần cấu tạo là hữu cơ.
Theo đó, các thực phẩm có thành phần cấu tạo hữu cơ nhỏ hơn 70% sẽ không được ghi nhãn là “hữu cơ” hoặc “được sản xuất từ các thành phần hữu cơ”, “được chế biến từ các thành phần hữu cơ”, “có chứa các thành phần hữu cơ” hoặc cụm từ tương đương.
Ngoài ra, nhà sản xuất cũng không được thực hiện bất kỳ công bố chứng nhận hữu cơ nào đối với những thực phẩm có thành phần cấu tạo hữu cơ nhỏ hơn 70%. Tuy nhiên, có thể sử dụng cụm từ “hữu cơ” đối với thành phần cấu tạo cụ thể được liệt kê.
Tổng kết lại, chỉ khi nào thực phẩm đã được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ thì mới được ghi nhãn liên quan đến cụm từ “hữu cơ” lên thực phẩm đó. Việc ghi nhãn là “100 % hữu cơ”, “hữu cơ” hay “được sản xuất từ các thành phần hữu cơ” tùy thuộc vào tỷ lệ hữu cơ trong thành phần cấu tạo của sản phẩm.
(3) Thực phẩm hữu cơ bị thu hồi trong trường hợp nào?
Theo khoản 3 Điều 13 Nghị định 109/2018/NĐ-CP, thực phẩm hữu cơ sẽ bị thu hồi trong các trường hợp như:
- Ghi nhãn, lô gô không đúng quy định;
- Hết thời hạn sử dụng mà vẫn bán trên thị trường;
- Không phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ hoặc quy định, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;
- Bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, vận chuyển, kinh doanh;
- Có chất cấm sử dụng hoặc xuất hiện tác nhân gây ô nhiễm vượt mức giới hạn quy định;
- Sản phẩm nhập khẩu bị cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, nước khác hoặc tổ chức quốc tế thông báo có chứa tác nhân gây ô nhiễm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người.
Theo đó, nếu thuộc trường hợp bị thu hồi, các thực phẩm hữu cơ này sẽ được xử lý như sau:
- Do in ấn sai thì khắc phục lỗi ghi nhãn, lỗi lô gô; trường hợp ghi nhãn, lô gô chưa đúng quy định và có các vi phạm khác thì lô sản phẩm bị xử lý theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 13 Nghị định 109/2018/NĐ-CP.
- Chuyển mục đích sử dụng đối với lô sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc không phù hợp với mục đích sử dụng ban đầu hoặc tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ nhưng không gây mất an toàn đối với sức khỏe, môi trường;
- Tiêu hủy lô sản phẩm bị hư hỏng; không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc có chứa chất không được phép sử dụng hoặc tác nhân gây mất an toàn đối với sức khỏe, môi trường vượt quy định, quy chuẩn kỹ thuật;
- Tái xuất đối với lô sản phẩm hữu cơ nhập khẩu không phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ hoặc quy định, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc hết hạn sử dụng.
Những quy định này giúp đảm bảo rằng chỉ những sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chuẩn mới được phép lưu hành trên thị trường, từ đó xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với thực phẩm hữu cơ.
Đây không chỉ đơn thuần là một biện pháp xử lý sai sót mà còn là một phần trong chiến lược bảo vệ người tiêu dùng. Sự nghiêm ngặt trong quản lý chất lượng sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.