Trong mấy ngày qua, đã có một số bộ lên tiếng về việc nhờ đến cơ quan công an vào cuộc về những vấn đề trong ngành mình: bộ Tài chính, bộ Y tế... Tin này được đăng trên báo và khiến không ít độc giả đi từ ngạc nhiên đến bất bình.
Chuyện thứ nhất: ngày 19.7, phòng báo chí của bộ Tài chính nói rằng, trong ngày hôm đó, có ít nhất 2 nhân viên của các trang tin điện tử: GAFIN và CafeF đã “không mời mà đến” để đến nghe và đưa tin cuộc họp báo thường kỳ của bộ này. Bộ phận truyền thông của bộ Tài chính nói rằng: vì “nể nang” những người này đã đến nên nhân viên của Bộ đành miễn cưỡng cho phép tham dự. Tuy nhiên, họ khẳng định, lần sau sẽ báo cơ quan công an để can thiệp.
Chuyện thứ 2, cuối tuần trước, bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có công ăn gửi bộ trưởng bộ Công an đề nghị chỉ đạo điều tra, xác định nguyên nhân 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B tại bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa-Quảng Trị…Một việc mà bộ này có ý cho là đã bó tay vì qua kiểm tra, xác minh, bộ Y tế không thể làm rõ nguyên nhân.
Xem qua câu chuyện, đa số người đọc sẽ cho rằng, đây là những việc lẽ chẳng cần phải vời đến cơ quan công an, cơ quan điều tra làm gì và các bộ hoàn toàn có thể tự mình xử lý mà không cần phải mất thời gian công văn đi lại, tốn thêm thời gian, chi phí, công sức của cơ quan khác mà đỡ phải mang tiếng: việc mình, mình lại chẳng lo!
Với câu chuyện thứ nhất, ở bộ Tài chính (chưa nói đến việc cho dù các trang tin điện tử CafeF, GAFIN…không được hoạt động như một cơ quan báo chí thì động cơ của nhân viên các trang đó, muốn đến tận nơi để có thông tin nguồn, nhanh nhất cũng đáng trân trọng) thì việc phòng báo chí của bộ nói mời công an xử lý đã là một tuyên bố khó nghe. Bởi nếu không thích một đại diện trang tin đến đưa tin công khai về hoạt động của bộ, việc xử lý rất đơn giản: đa số người đến dự các cuộc họp báo này đều có giấy mời và nếu không muốn ai đó dự họp, bộ chỉ cần soát xét giấy mời từ ngoài cửa, nếu ai không có giấy mời thì lịch sự mời ra ngoài, tại sao phải nói là “nể nang” và sau đó lại bắn tiếng mời cơ quan công an ?.
Ở câu chuyện thứ hai, người dân, vốn đang bức xúc vì câu chuyện nhiều trẻ sơ sinh tiêm vắc xin mà tử vong thì việc bộ trưởng Y tế đẩy quả bóng (trách nhiệm điều tra vụ việc) sang cơ quan điều tra bộ Công an càng dấy lên làn sóng ý kiến phản đối bà bộ trưởng. Thông thường, cơ quan điều tra vào cuộc chỉ khi có dấu hiệu tội phạm, có động cơ, ý đồ phạm tội. Ở đây, chưa mấy ai nghĩ đến việc phải điều tra, bỏ tù ai mà muốn tìm ra nguyên nhân để khắc phục, nâng cao chất lượng vắc xin để đảm bảo việc tiêm chủng an toàn cho trẻ. Chỉ có chính các bác sĩ, chuyên gia y tế ngành y mới có chuyên môn, hiểu rõ quy trình để xác định đâu là khâu có vấn đề như sản xuất vắc-xin, vận chuyển, bảo quản, tiêm chích hay chăm sóc, theo dõi sau chủng ngừa. Cho nên, kể cả bộ Công an có vào cuộc, cũng phải mời đến các chuyên gia của bộ Y tế.
Bộ Y tế cho rằng, việc nhờ đến cơ quan công an nhằm đảm bảo điều tra độc lập, khách quan, tránh tình trạng bao che…thì lại càng khó hiểu. Phải chăng tình trạng bao che cho nhau ở trong ngành y tế đã đến mức mà lãnh đạo bộ này đã không thể xử lý được nữa, không thể tự mình điều tra “độc lập, khách quan” mà phải nhờ cơ quan có quyền lực hơn từ bên ngoài ?.
Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31.8.2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ Y tế đã nêu rõ, trong lĩnh vực y tế dự phòng, bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định chuyên môn, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lĩnh vực y tế dự phòng trong phạm vi cả nước...và bộ Y tế có đầy đủ các cục, vụ, viện chuyên môn để thực hiện trách nhiệm đó. Nay trong khi các cục, vụ, viện của bộ còn chưa tích cực vào cuộc, làm rõ nguyên nhân tử vong của trẻ mà lại nhờ đến một bộ không có chuyên môn sâu về tiêm chủng vắc xin đề điều tra thì đó thật là chuyện đáng cười.
Tất nhiên, các bộ đề nghị thì cứ đề nghị nhưng bộ Công an có vào cuộc điều tra hay không lại chuyện khác vì ngành công an cũng có rất nhiều việc phải làm để đấu tranh chống tội phạm. Thời gian đâu để vào cuộc chỉ để xử lý mấy phóng viên không có giấy mời dự họp hoặc có chuyên môn đâu để làm rõ vắc xin chất lượng tốt hay kém…và lại dễ mang tiếng hình sự hóa một việc dân sự. Nhưng cái não trạng: hơi có việc khó xử lý, lại nhờ đến cơ quan công an, để dọa người, để đỡ việc khó cho mình…không chỉ mới có ở bộ Tài chính và bộ Y tế.
Mạnh Quân (Bài đăng trên báo in SGTT sáng nay)