Trước hết chị cần hiểu rõ hiện nay không có quy định về loại hợp đồng giao khoán. Bản chất của hợp đồng giao khoán là một trong hai loại hợp đồng: hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ.
Vậy khi nào hợp đồng giao khoán là hợp đồng lao động và khi nào hợp đồng giao khoán là hợp đồng dịch vụ? Pháp luật Việt Nam không quan trọng tên gọi của hợp đồng mà chỉ quan trọng nội dung chứa đựng bên trong của hợp đồng để xác định hợp đồng đó là loại hợp đồng nào.
- Hợp đồng giao khoán sẽ là hợp đồng lao động nếu như nội dung của hợp đồng có quy định NLĐ làm việc theo công việc nhất định được trả tiền lương, tiền công và một bên chịu sự điều hành, kiểm soát của bên còn lại (Điều 13 Bộ luật lao động 2019).
- Hợp đồng giao khoán sẽ là hợp đồng dịch vụ khi nội dung của hợp đồng không bao gồm các nội dung chính của hợp đồng lao động đã nêu trên, đồng thời các nội dung của hợp đồng dịch vụ không được sử dụng các khái niệm, quy định trong Bộ luật lao động 2019 mà phải áp dụng các quy định tại Bộ luật dân sự 2015 để điều chỉnh nội dung của hợp đồng.
1. Vấn đề thứ nhất: Về Thuế TNCN
- Nếu NLĐ làm việc có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thì sẽ tiến hành khấu trừ theo biểu thuế luỹ tiến từng phần theo quy định tại Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
- Nếu nhân công làm việc không theo hợp đồng lao động (trường hợp ký hợp đồng dịch vụ) hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng thì mỗi lần chi trả thu nhập chị sẽ tiến hành khấu trừ 10% trên tổng thu nhập trước khi chi trả cho nhân công nếu như thu nhập mỗi lần chi trả từ 2 triệu đồng trở lên (nếu nhân công làm cam kết không khấu trừ thuế TNCN theo mẫu thì chị không cần phải khấu trừ thuế TNCN trong trường hợp này).
2. Vấn đề thứ hai:
Như đã đề cập hiện nay không có quy định về hợp đồng giao khoán, bản chất của hợp đồng này là hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ. Dựa vào phân tích trên nếu chị xác định đây là hợp đồng lao động thì nên sửa đổi lại tên gọi của hợp đồng và ký kết lại hợp đồng lao động thay thế cho hợp đồng giao khoán để tránh rủi ro khi xảy ra tranh chấp hay cơ quan nhà nước phát hiện kiểm tra.
Nếu xác định đây là hợp đồng dịch vụ thì nếu muốn ký hợp đồng lao động chị có thể chấm dứt hợp đồng dịch vụ và ký hợp đồng lao động với NLĐ. Pháp luật không quy định thời hạn của hợp đồng dịch vụ, vấn đề này các bên tự thoả thuận cũng như thời hạn phải chuyển từ hợp đồng dịch vụ sang hợp đồng lao động. Do đó, thời hạn 6 tháng chị đề cập không liên quan trong trường hợp này.
3. Vấn đề thứ ba: Đóng BHXH
Theo quy định tại Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014, NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ 1 tháng trở lên là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (nếu ký hợp đồng dịch vụ thì không tham gia BHXH bắt buộc).
Về mức đóng BHXH, theo khoản 2.2, 2.3 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017 thì tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bao gồm: mức lương cơ bản, phụ cấp lương, các khoản khác có tính chất tiền lương được chi trả định kỳ và theo mức cố định thoả thuận trong HĐLĐ hay bên chị có quy định riêng.
Theo như thông tin chị cung cấp bên chị có 3 loại lương: lương cơ bản, lương kiêm nhiệm chức vụ và lương theo KPI. Bản chất tiền lương cơ bản và lương kiêm nhiệm chức vụ là khoản tiền lương và phụ cấp lương liên quan trực tiếp đến công việc và được chi trả theo mức cố định vào kỳ trả lương nên chắc chắn sẽ tính 2 khoản này vào tiền lương đóng BHXH của NLĐ.
Về tiền lương theo KPI, bản chất của tiền lương theo KPI là tiền lương được trả theo mức độ hoàn thành, hiệu suất làm việc của NLĐ, tính chất của khoản này là khoản tiền thưởng. Trừ mức lương cố định ra, đối với phần tiền thưởng NLĐ có được khi hoàn thành xuất sắc công việc thì sẽ không tính vào mức lương tháng đóng BHXH của NLĐ. Có nghĩa là khoản tiền mang tính chất tiền thưởng thì sẽ không tính đóng BHXH.
Nếu chị chị đóng theo mức lương cơ bản và bỏ qua các khoản mang tính chất cố định như khoản phụ cấp kiêm nhiệm thì bị xem là đóng BHXH không đúng mức cho NLĐ. Khi đó chị có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 5, khoản 10 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP cụ thể chị sẽ bị phạt tiền, truy thu lại số tiền đóng BHXH chưa đủ cho NLĐ và tính tiền lãi chậm nộp.