Khai tử cho người còn sống để chiếm đoạt nhà bị xử lý thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #610330 05/04/2024

    motchutmoingay24
    Top 500
    Lớp 1

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (206)
    Số điểm: 2458
    Cảm ơn: 14
    Được cảm ơn 47 lần


    Khai tử cho người còn sống để chiếm đoạt nhà bị xử lý thế nào?

    Mới đây, công an Quận Bình Thạnh vừa bắt giữ các đối tượng thực hiện hành vi đăng ký khai tử cho 8 người thân để chiếm đoạt tài sản. Vậy hành vi khai tử cho người còn sống để chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lí thế nào?

    (1) Khai tử cho người còn sống để chiếm đoạt nhà được thừa kế bị xử lý thế nào?

    Mới đây, công an quận Bình Thạnh đã bắt 3 đối tượng là 3 trong số 11 người được quyền thừa kế căn nhà trên đường Bạch Đằng, phường 24, quận Bình Thạnh (trị giá khoảng 80 tỷ đồng). Ba đối tượng sống tại Việt Nam, những người còn lại đang ở nước ngoài.

    Năm 2016, thấy căn nhà giá trị, Võ Doãn Tấn bàn bạc với 2 em gái làm thủ tục để cùng đứng tên nhà, không chia phần cho những người còn lại. Họ thuê luật sư Lê Minh Thái làm các giấy tờ với giá 50.000 USD.

    Để hợp thức hóa hồ sơ, Thái cùng Hải soạn thảo giấy cam kết của 8 người đang ở nước ngoài có nội dung "từ chối nhận di sản thừa kế", giả chữ ký của họ. Tiếp đó, luật sư này móc nối, đưa tiền để Nguyễn Đắc Công (đang làm văn thư lưu trữ UBND phường 6) chứng thực các giấy cam kết.

    Công nhận lời, đồng thời làm giả chữ ký của lãnh đạo phường, dùng mộc do mình quản lý đóng dấu, hoàn thành văn bản giả mạo. Ngoài ra, Công còn giúp Thái sao y chứng thực các loại giấy tờ giả khác để nộp cho cơ quan chức năng. Tấn cùng 2 em sau khi hoàn tất thủ tục sang tên căn nhà đã bán lấy gần 80 tỷ đồng chia nhau.

    Đến tháng 7/2017, cảnh sát đã thông báo cho anh em Tấn biết các "giấy cam kết từ chối nhận di sản thừa kế" là do Công làm giả, việc thừa kế không hợp lệ. 

    Tuy nhiên, vì không muốn trả lại tiền, ba anh em này tiếp tục cung cấp thông tin sai sự thật, yêu cầu tòa án khai tử 8 người thân của mình, nhằm hợp thức hóa việc thừa kế, bán nhà trước đó.

    Ngày 5/4, ba anh em Tấn cùng các đối tượng Thái, Hải, Công đã bị công an bắt giữ để điều tra vụ việc

    Theo khoản 3 Điều 41 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai tử:

    Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    - Làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đang sống;

    - Không làm thủ tục đăng ký khai tử cho người đã chết để trục lợi;

    - Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật khi làm thủ tục đăng ký khai tử để trục lợi.

    Ngoài ra người vi phạm tội này còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trên

    Như vậy, người nào thực hiện hành vi khai tử cho người còn sống để trục lợi sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp do thực hiện việc khai tử gian dối.

    Ngoài tội thực hiện hành vi khai tử cho người còn sống, các đối tượng trên còn có dấu hiệu phạm các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội Đưa hối lộ và tội Giả mạo trong công tác.

    Võ Doãn Tấn (phải) cùng hai người em tại cơ quan điều tra. 

    (2) Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lí thế nào?

    Điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

    - Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

    + Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ Luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    + Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

    -  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    + Có tổ chức;

    + Có tính chất chuyên nghiệp;

    + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

    + Tái phạm nguy hiểm;

    + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

    + Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    + Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân

    + Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

    + Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

    - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt lên đến 20 năm tù hoặc chung thân, phạt tiền lên đến 100 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    (3) Tội đưa hối lộ sẽ bị phạt thế nào?

    Tội đưa hối lộ sẽ bị xử lí theo quy định tại Điều 364 Bộ Luật Hình sự 2015 như sau:

    - Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    + Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

    + Lợi ích phi vật chất.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    + Có tổ chức;

    + Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

    + Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

    + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    + Phạm tội 02 lần trở lên;

    + Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

    - Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

    - Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.

    - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    - Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều 364 Bộ Luật Hình sự 2015.

    - Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

    - Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

    Người bị kết án phạm tội đưa hối lộ có thể lãnh mức án tù lên đến 20 năm, phạt tiền lên đến 200 triệu đồng.

    (4) Tội giả mạo trong công tác sẽ bị xử lí ra sao?

    Căn cứ quy định tại Điều 359 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về tội giả mạo trong công tác như sau:

    - Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    + Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

    + Làm, cấp giấy tờ giả;

    + Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

    + Có tổ chức;

    + Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

    + Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    + Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

    + Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

    + Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;

    + Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

    - Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

    Đối với tội danh này, Bộ Luật Hình sự quy định mức phạt tù từ 01 năm đến 20 năm, phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng. Ngoài ra người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    (5) Kết luận

    Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát, việc phạm tội đã được các đối tượng trên thực hiện từ năm 2016 nhưng vẫn không thể thoát khỏi tầm ngắm của lực lượng chức năng.

    Căn cứ vào các điều luật trên, các đối tượng sẽ phải chịu phạt tiền từ 10 triệu đến 200 triệu đồng, buộc nộp lại số tiền đã chiếm đoạt, bị thu hồi, tịch thu tài sản và cấm đảm nhiệm chức vụ và hành nghề từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, các đối tượng còn phải đối mặt với hình phạt tù từ 01 năm đến chung thân tùy theo tội trạng của mình.

     
    182 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn motchutmoingay24 vì bài viết hữu ích
    admin (16/04/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận