Khai thác hải sản tự nhiên có phải đóng thuế tài nguyên không?

Chủ đề   RSS   
  • #616939 28/09/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 20288
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 458 lần


    Khai thác hải sản tự nhiên có phải đóng thuế tài nguyên không?

    Thuế tài nguyên là gì? Khai thác hải sản tự nhiên có phải đóng thuế tài nguyên không? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

    (1) Thuế tài nguyên là gì?

    Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa đưa ra quy định cụ thể và rõ ràng về khái niệm thuế tài nguyên.

    Tuy nhiên, từ thực tiễn và các văn bản pháp lý hiện hành, thuế tài nguyên có thể được hiểu là một loại thuế được áp dụng đối với các cá nhân và tổ chức khi thực hiện hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, bao gồm các loại tài nguyên như khoáng sản, rừng, nước, và các nguồn tài nguyên khác.

    Thuế tài nguyên không chỉ đơn thuần là một khoản nghĩa vụ tài chính mà còn phản ánh trách nhiệm của người khai thác đối với việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

    Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế tài nguyên 2009, người nộp thuế tài nguyên là:

    - Người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên, trừ trường hợp khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu theo quy định của pháp luật về dầu khí.

    - Người nộp thuế tài nguyên trong một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:

    + Doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh thì doanh nghiệp liên doanh là người nộp thuế;

    + Bên Việt Nam và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác tài nguyên thì trách nhiệm nộp thuế của các bên phải được xác định cụ thể trong hợp đồng hợp tác kinh doanh;

    + Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế.

    Khi nộp thuế tài nguyên, các cá nhân và tổ chức không chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước mà còn góp phần vào việc duy trì và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ tương lai.

    (2) Khai thác hải sản tự nhiên có phải đóng thuế tài nguyên không?

    Theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế tài nguyên 2009, hướng dẫn bởi Điều 2 Nghị định 50/2010/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung bởi  Điều 4 Nghị định 12/2015/NĐ-CP, các đối tượng chịu thuế tài nguyên bao gồm:

    - Khoáng sản kim loại.

    - Khoáng sản không kim loại.

    - Dầu thô.

    - Khí thiên nhiên.

    - Khí than.

    - Sản phẩm của rừng tự nhiên, bao gồm các loại thực vật và các loại sản phẩm khác của rừng tự nhiên, trừ động vật và hồi, quế, sa nhân, thảo quả do người nộp thuế trồng tại khu vực rừng tự nhiên được giao khoanh nuôi, bảo vệ.

    - Hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật biển.

    - Nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất, trừ nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và nước biển để làm mát máy. Nước biển làm mát máy phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường, về hiệu quả sử dụng nước tuần hoàn và điều kiện kinh tế kỹ thuật chuyên ngành.

    - Yến sào thiên nhiên, trừ yến sào do tổ chức, cá nhân thu được từ hoạt động đầu tư xây dựng nhà để dẫn dụ chim yến tự nhiên về nuôi và khai thác.

    - Tài nguyên khác do Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

    Như vậy, tất cả những tài nguyên trên đều thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên, trong đó có hải sản tự nhiên bao gồm động vật và thực vật biển.

    Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 10 Thông tư 152/2015/TT-BTC quy định các trường hợp được miễn thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế tài nguyên 2009 và Điều 6 Nghị định 50/2010/NĐ-CP, bao gồm:

    - Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác hải sản tự nhiên.

    - Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác cành, ngọn, củi, tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô do cá nhân được phép khai thác phục vụ sinh hoạt.

    - Miễn thuế tài nguyên đối với tổ chức, cá nhân khai thác nước thiên nhiên dùng cho hoạt động sản xuất thuỷ điện để phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

    - Miễn thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt.

    - Miễn thuế tài nguyên đối với đất do tổ chức, cá nhân được giao, được thuê khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều.

    Đất khai thác và sử dụng tại chỗ được miễn thuế tại điểm này bao gồm cả cát, đá, sỏi có lẫn trong đất nhưng không xác định được cụ thể từng chất và được sử dụng ở dạng thô để san lấp, xây dựng công trình; Trường hợp vận chuyển đi nơi khác để sử dụng hoặc bán thì phải nộp thuế tài nguyên theo quy định.

    - Trường hợp khác được miễn thuế tài nguyên, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

    Như vậy, tuy hải sản tự nhiên là đối tượng chịu thuế tài nguyên nhưng tổ chức, cá nhân khai thác hải sản tự nhiên sẽ được miễn thuế tài nguyên. Do đó, tổ chức, cá nhân khai thác hải sản tự nhiên không phải đóng thuế tài nguyên.

     
    75 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận