Thứ nhất, Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (ASEAN Free Trade Area – AFTA)
Thứ hai, Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA)
Thứ ba, Hiệp đinh Thương mại Tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA)
Thứ tư, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP)
Thứ năm, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia và New Zealand (AANZFTA)
Thứ sáu, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA)
Thứ bảy, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Hồng Kông (Trung Quốc) (AHKFTA)
Thứ tám, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)
Thứ chín, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA)
Thứ mười, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Chi Lê (VCFTA)
Thứ mười một, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)
Thứ mười hai, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA)
(Phần tiếp theo)
Thứ mười ba, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Israel (VIFTA)
Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Israel đã kết thúc đàm phán từ ngày 2/4/2023 sau hơn 7 năm với 12 phiên đàm phán, và được chính thức ký kết vào ngày 25/7/2023. Hiệp định dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2024.
Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký kết FTA. VIFTA được kỳ vọng là đòn bẩy giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước về đầu tư, dịch vụ, chuyển đổi số, công nghệ...
Israel không phải là đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam do nằm ở khu vực Tây Nam Á, với khu vực này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam chưa cao, song Việt Nam vẫn đang nỗ lực để mở rộng thị trường bởi hàng hóa giữa hai bên có tính chất bổ sung cho nhau. Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA không chỉ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh của mình sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận những lĩnh vực công nghệ cao của quốc gia này.
Thứ mười bốn, Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)
CPTPP là tên viết tắt của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership). Đây là Hiệp định thương mại tư do (FTA) thế hệ mới, đặt ra tiêu chuẩn cao đối với các hoạt động trao đổi thương mại trong khu vưc và được kỳ vọng sẽ là các tiêu chuẩn điều tiết thương mại thế giới. Cụ thể, ngoài các thỏa thuận về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ thông thường như trong các “FTA truyền thống”, CPTPP còn thể hiện mức độ cam kết sâu rộng giữa các quốc gia thành viên, trong đó bao hàm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, phát triển bền vững quản trị tốt, minh bạch hóa,... và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các quốc gia thành viên, tạo thêm nhiều việc làm, giúp xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sáng tạo và sức cạnh tranh, thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt, đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trương trên phạm vi mở rộng.
CPTPP hiện nay bao gồm 11 thành viên ký kết là Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 11 nước thuộc Hiệp định CPTPP và Hoa Kỳ. Trong tiến trình đàm phán, vào tháng 2 năm 2016, Bộ trưởng của 12 nước tham gia Hiệp định TPP đã tham dư Lễ ký để xác thực lời văn TPP tại thành phố Auckland, New Zealand. Tuy nhiên, ngày 30 tháng 01 năm 2017, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Hiệp định TPP. Trước sự kiện này, các nước còn lại đã tích cực nghiên cứu, trao đổi nhằm thống nhất lại các nội dung cốt lỗi của Hiệp định để phù hợp với bối cảnh mới. Tháng 11 năm 2017, tại Đà Nẵng, Việt Nam, 11 nước còn lại đã thống nhất đổi tên Hiệp định TPP thành Hiệp định CPTPP. Ngày 03 tháng 08 năm 2018, Hiệp định được ký kết tại thành phố Santiago (Chile) và chính thức có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2018 đối với nhóm 06 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc. Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12 tháng 11 năm 2018. Theo đó, Hiệp định chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.
Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP gồm 30 chương và 09 phụ lục, nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ (11 nghĩa vụ liên quan đến Chương Sở hữu trí tuệ, 02 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 07 nghĩa vụ còn lại liên quan đến 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh Bạch Hóa và chống tham nhũng). Việc tạm hoãn này để giúp bảo đảm sư cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của 11 nước thành viên còn lại khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP. Mặc dù các nhóm nghĩa vụ trên được tạm hoãn, nhưng về tổng thể, Hiệp định CPTTP vẫn được đánh giá là một FTA chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, các nước thành viên CPTPP cũng ký với nhau một số cam kết, thỏa thuận song phương dưới hình thức các thư, thư trao đổi và bản ghi nhớ liên quan đến các nội dung thuộc quan tâm riêng của mình theo hướng được phép có những linh hoạt hoặc một khoảng thời gian chuyển đổi nhất định để thực thi một số cam kết của Hiệp định .
Thứ mười lăm, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)
EVFTA (viết tắt của từ tiếng Anh: European-Vietnam Free Trade Agreement) là Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (“EVFTA”). EVFTA là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU (bao gồm: Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Đảo Síp, Séc (Czech), Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Đức, Hungary, Ireland, Italy, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha và Thụy Điển). EVFTA được đánh giá là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Việc Hiệp định được phê chuẩn và có hiệu lực là sự khẳng định về chủ trương tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. EVFTA cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Ngày 01/12/2015, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 01/02/2016, văn bản hiệp định được công bố. Ngày 26/06/2018, một bước đi mới của EVFTA được thống nhất. Theo đó, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA); đồng thời chính thức kết thúc quá trình rà soát pháp lý đối với Hiệp định EVFTA. Tháng 08/2018, quá trình rà soát pháp lý đối với EVIPA cũng được hoàn tất. Hai Hiệp định được ký kết ngày 30/06/2019. EVFTA và EVIPA được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu vào ngày 12/2/2020, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020. Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua EVFTA. Đối với EVFTA, do đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn, Hiệp định này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.
EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý và thể chế.
Thứ mười sáu, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA)
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức hoàn tất đàm phán vào ngày 11/12/2020 và ký kết vào tối 29/12/2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/05/2021. Hiệp định được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh.
Về thương mại hàng hóa, Anh cam kết sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (từ 1/1/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ 1/1/2027, và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).
Ngoài lộ trình cắt giảm thuế quan sâu rộng, Hiệp định UKVFTA còn tạo lợi thế rõ ràng cho nhiều sản phẩm có thế mạnh của 2 nước thâm nhập thị trường của nhau (với Việt Nam là các ngành hàng như: Điện thoại, máy móc, dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ, sắt thép, cà-phê, hạt điều… Với Vương quốc Anh, đó là lĩnh vực máy móc, dược phẩm, hóa chất, nguyên phụ liệu da giày, ô-tô cũng như các lĩnh vực dịch vụ như tài chính, vận tải, bán lẻ…).
Nhìn chung, từ việc ký kết Hiệp định UKVFTA, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư tin cậy, bền vững của Vương quốc Anh với 507 dự án có tổng số vốn đăng ký đạt gần 4,2 tỷ USD. Riêng trong năm 2022, đã có 53 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký 134,66 triệu USD từ nhà đầu tư Anh tại thị trường Việt Nam. Vương quốc Anh đang là đối tác lớn thứ 15 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, tài chính, ngân hàng, dầu mỏ,…
Các FTA Việt Nam đang tham gia đàm phán:
Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 5/2012. Hiện tại FTA này vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Canada (Tái khởi động đàm phán tháng 11/2021).
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) (Đang trong quá trình khởi động đàm phán).
(Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập; và các nguồn sưu tập có liên quan)