Kế toán trưởng trong DN có vốn NN thì có cần chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng không?

Chủ đề   RSS   
  • #612585 10/06/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 142 lần


    Kế toán trưởng trong DN có vốn NN thì có cần chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng không?

    Trở thành kế toán trưởng cần đáp ứng các điều kiện gì?  Kế toán trưởng trong DN có vốn NN thì có cần chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng không?

    Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về tiêu chuẩn, yêu cầu cần có của một kế toán trưởng.

    Trong lĩnh vực quản lý tài chính và kế toán, vai trò của kế toán trưởng vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

    Việc quy định các tiêu chuẩn, yêu cầu đối với vị trí này không chỉ đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả trong quản lý tài chính mà còn góp phần vào việc phòng chống gian lận và tham nhũng. 

     

    (1) Tiêu chuẩn để trở thành kế toán trưởng

    Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán của đơn vị có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán trong đơn vị kế toán. Kế toán trưởng phải có các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Điều 54 Luật Kế toán năm 2015 như sau:

    - Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật Kế toán năm 2015

    - Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên.

    - Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng.

    - Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng

    Theo đó, Điều 51 Luật Kế toán năm 2015 quy định tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán bao gồm:

    + Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật.

    + Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán.

    + Người làm kế toán có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.

    + Người làm kế toán có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán, thực hiện các công việc được phân công và chịu trách nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ của mình. 

    Khi thay đổi người làm kế toán, người làm kế toán cũ có trách nhiệm bàn giao công việc kế toán và tài liệu kế toán cho người làm kế toán mới. Người làm kế toán cũ phải chịu trách nhiệm về công việc kế toán trong thời gian mình làm kế toán.

    Như vậy, cá nhân trở thành kế toán trưởng cần đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và thời gian công tác, trong đó quy định kế toán trưởng phải có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng.

    (2) Kế toán trưởng trong DN có vốn NN thì có cần chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng không?

    Theo như đã đề cập ở trên, kế toán trưởng phải có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng để đáp ứng các tiêu chuẩn trở thành kế toán trưởng. 

    Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 21 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định như sau:

    Kế toán trưởng, phụ trách kế toán phải có các tiêu chuẩn quy định tại điểm a, c, d khoản 1 Điều 54 Luật kế toán năm 2015 và không thuộc các trường hợp không được làm kế toán theo quy định tại Điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP. Bộ Tài chính quy định về việc tổ chức, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ kế toán trưởng.

    Kế toán trưởng, phụ trách kế toán của các đơn vị kế toán sau đây phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên, bao gồm:

    - Cơ quan có nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước các cấp.

    - Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Quốc hội, cơ quan khác của nhà nước ở trung ương và các đơn vị kế toán trực thuộc các cơ quan này.

    - Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    - Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương; các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc các cơ quan này.

    - Cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc đặt tại tỉnh.

    - Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở cấp trung ương, cấp tỉnh có sử dụng ngân sách nhà nước.

    - Ban quản lý dự án đầu tư có tổ chức bộ máy kế toán riêng, có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc dự án nhóm A và dự án quan trọng quốc gia.

    - Đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện.

    - Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều 21.

    - Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên.

    Đối với kế toán trưởng, phụ trách kế toán của công ty mẹ là doanh nghiệp nhà nước hoặc là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ phải có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 05 năm.

    Như vậy, kế toán trưởng trong DN có vốn NN cần phải đáp ứng điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ kế toán, có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng.

    (3) Những người không được làm kế toán

    Căn cứ theo Điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP. quy định những người không được làm kế toán. Cụ thể bao gồm:

    - Các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 52 Luật kế toán năm 2015.

    - Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

    - Người đang làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

    Tóm lại, kế toán trưởng kế toán trưởng trong DN có vốn NN cần phải đáp ứng điều kiện về phẩm chất đạo đức, trình độ đại học, chuyên môn nghiệp vụ kế toán, có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng cũng như đáp ứng được thời gian công tác. 

    Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định một số trường hợp cá nhân không được làm kế toán.

     
    254 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận