Các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác khi mở các lớp đào tạo nghề phải xây dựng, lựa chọn, phê duyệt và công khai chương trình đào tạo.
Nội dung chương trình đào tạo nghề phải đảm bảo đủ các thông tin:
- Khối lượng kiến thức và yêu cầu năng lực thực hiện nghề của người học đạt được sau khóa học.
- Thời gian khóa học.
- Danh mục số lượng, thời lượng các mô đun hay nội dung đào tạo.
- Nội dung và phương pháp đánh giá.
Cấu trúc của chương trình đào tạo gồm:
- Tên chương trình đào tạo.
- Đối tượng tuyển sinh, yêu cầu đầu vào.
- Mô tả về khóa học.
- Mục tiêu đào tạo.
- Thời gian thực hiện gồm thời gian tổng và thời gian cho các hoạt động (giảng dạy, thực hành, thực tập, kiểm tra).
- Quy trình đào tạo, điều kiện hoàn thành khóa học.
- Phương pháp và thang điểm đánh giá.
- Hướng dẫn sử dụng chương trình đào tạo.
Thời gian thực hành tối thiểu chiếm 80% tổng thời gian khóa học
Tổng thời gian học gồm thời gian học lý thuyết, thời gian thực hành, thời gian học các kỹ năng mềm, thời gian kiểm tra trong quá trình đào tạo, kết thúc quá trình đào tạo.
Lịch học được bố trí linh hoạt
Có thể sắp xếp lịch học vào buổi sáng, chiều hoặc tối, học trong ngày làm việc, ngày thứ 7 hay chủ nhật, ngày nghỉ theo yêu cầu người học…phù hợp với công việc từng ngành, nghề.
Lưu ý thời gian học 1 buổi tối đa là 05 giờ, và nếu học 01 ngày chỉ được phép tối đa là 08 giờ.
Yêu cầu sĩ số học viên từng lớp
- Học kiến thức, kỹ năng mềm tối đa 35 học viên, riêng lớp có người khuyết tật hay người dân tộc thiểu số tối đa là 15 học viên.
- Học thực hành, mỗi nhóm tối đa 07 học viên, riêng nhóm có người khuyết tật hay người dân tộc thiểu số tối đa là 05 học viên.
Có thể tùy chọn địa điểm
Doanh nghiệp, nơi đào tạo, nơi sản xuất đều có thể được lựa chọn để giảng dạy, đào tạo.
Xem chi tiết các nội dung khác tại dự thảo Thông tư quy định về đào tạo nghề (file đính kèm).