Nhiều cặp đôi sau khi đã kết hôn, muốn tài sản có tên người còn lại, cụ thể trường hợp người chồng mong muốn bổ sung tên vợ vào Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì cần làm theo các bước nào? Bài viết sẽ hướng dẫn các bạn về thủ tục bổ sung tên của “nóc nhà” vào GCN quyền sở hữu nhà ở nhé!
Nhập tài sản riêng vào tài tài sản chung của vợ chồng
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung, như sau:
- Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.
- Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.
- Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Như vậy, tài sản riêng của vợ hoặc chồng được nhập vào tài sản chung thì sẽ thuộc sở hữu chung của hai vợ, chồng.
Đối với trường hợp nhập quyền sở hữu nhà ở của người chồng vào khối tài sản chung thì người vợ cũng có quyền sở hữu nhà, khi đó có thể làm thủ tục bổ sung tên người vợ vào trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Hồ sơ, thủ tục bổ sung tên vợ vào Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà
Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 76 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định các trường hợp được cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, trong đó:
Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng.
Theo đó với nhà ở là tài sản chung của vợ chồng thì người chồng có thể thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở để bổ sung tên người vợ vào Giấy chứng nhận này.
Hồ sơ bao gồm:
Căn cứ tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT để được cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đến văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương thì Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận theo Mẫu số 10/ĐK;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
- Bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thay cho bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận sau khi dồn điền đổi thửa, đo đạc lập bản đồ địa chính mà Giấy chứng nhận đã cấp đang thế chấp tại tổ chức tín dụng.
Thủ tục thực hiện:
Về thủ tục được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 76 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:
Bước 1: Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận.
Bước 2: Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ, xác nhận vào đơn đề nghị về lý do cấp đổi Giấy chứng nhận;
Bước 3: Văn phòng đăng ký đất đai lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
Bước 4: Văn phòng đăng ký đất đai cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Bước 5: Văn phòng đăng ký đất đai trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
Phí thủ tục:
Về chi phí ở đây thì sẽ là chi phí làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tùy từng điều kiện cụ thể của từng địa bàn và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà sẽ có mức thu cho phù hợp.