1. Thu thập, kiểm tra, sử dụng, đánh giá chứng cứ trong vụ án dân sự
1.1 Thu thập chứng cứ
Thu thập chứng cứ là hoạt động của Luật sư nhằm tìm kiếm, phát hiện và thu giữ các tài liệu có giá trị chứng minh cho yêu cầu của đương sự. Chứng cứ có nhiều nguồn, nhiều loại, nên trước khi thu thập, Luật sư cần căn cứ vào yêu cầu cần chứng minh của đương sự mà xác định các nguồn chứng cứ, loại chứng cứ cần thu thập.
Trước hết, cần kiểm tra xem đương sự mà mình bảo vệ có những tài liệu, chứng cứ gì, còn thiếu những gì; Những tài liệu, chứng cứ còn thiếu có thể nằm ở đâu; Những ai có khả năng lưu giữ; Phương pháp thu thập cần áp dụng là gì; Thủ tục thu thập ra sao để bảo đảm tính hợp pháp của chứng cứ.
Trong trường hợp đã xác định nguồn chứng cứ mà việc thu thập gặp khó khăn thì cần có văn bản trình bày và đề nghị Tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ. Kèm theo văn bản yêu cầu là những tài liệu chứng minh những khó khăn khiến cho việc tự thu thập chứng cứ không thể thực hiện được.
1.2. Kiểm tra, sử dụng, đánh giá chứng cứ
Đây là kỹ năng của Luật sư trong việc dựa vào ba thuộc tính khách quan, liên quan và hợp pháp để xác định giá trị chứng minh của các tài liệu chứng cứ đã thu thập được. Trong các tài liệu có giá trị chứng minh đó, Luật sư cần phân biệt, xếp loại các chứng cứ theo loại từ chứng cứ trực tiếp đến chứng cứ gián tiếp, chứng cứ gốc đến chứng cứ sao chép, thuật lại. Các chứng cứ đã được kiểm tra sẽ được hệ thống hóa theo trình tự lôgic để sử dụng trong hoạt động chứng minh cho yêu cầu của đương sự.
Kiểm tra, sử dụng, đánh giá chứng cứ là hoạt động thao tác tư duy nên Luật sư cần phải có kỹ năng, kinh nghiệm kiểm tra mới có thể đạt được hiệu quả.
2. Gặp gỡ, trao đổi với khách hàng
Gặp gỡ, trao đổi với khách hàng là kỹ năng cần thiết và thường xuyên của Luật sư trong quá trình tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Hình thức trao đổi có thể là bằng miệng hoặc bằng văn bản. Nội dung trao đổi bao gồm:
- Các vấn đề đặt ra trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án;
- Những khó khăn, thuận lợi trong việc chứng minh yêu cầu của đương sự; những tài liệu, chứng cứ mới do phía đương sự đối phương đưa ra;
- Những công việc cần làm như tiếp tục thu thập chứng cứ, xác định hướng giải quyết các khó khăn đó;
- Tư vấn cho đương sự những vấn đề pháp lý có liên quan đến việc giữ nguyên hoặc bổ sung, thay đổi yêu cầu khởi kiện (nếu là nguyên đơn), yêu cầu phản tố (nếu là bị đơn hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập);
- Yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo đảm quyền lợi của đương sự trong các trường hợp có liên quan đến tài sản và quyền tài sản theo yêu cầu khởi kiện hoặc phản tố, v.v..
3. Tham gia các phiên họp cung cấp, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, hòa giải
Tòa án có trách nhiệm thực hiện kiểm tra việc giao nộp chứng cứ của các đương sự, công bố các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong một phiên họp. Trên cơ sở đó, Tòa án tiến hành thủ tục hỏi các đương sự về các vấn đề: Yêu cầu, phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; Những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết; Tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác; Bổ sung tài liệu, chứng cứ; Yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; Yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa hoặc những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết.
Trong phiên họp này, sự có mặt và vai trò của Luật sư rất quan trọng. Luật sư có mặt bên cạnh đương sự sẽ tạo điều kiện để Luật sư có thể đưa ra ý kiến tư vấn kịp thời cho các tình huống phát sinh trong diễn biến của phiên họp để khách hàng có các quyết định phù hợp, đúng đắn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Đặc biệt, trong phiên họp có thủ tục hòa giải, Luật sư của nguyên đơn giúp đương sự trình bày nội dung sự việc tranh chấp, bổ sung yêu cầu khởi kiện; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu khởi kiện và đề xuất những quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án, v.v.. Luật sư của bị đơn trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố (nếu có), những căn cứ để phản đối yêu cầu của nguyên đơn, những căn cứ để bảo vệ yêu cầu phản tố của mình và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án (nếu có).
Sau đó Thẩm phán xác định những vấn đề các đương sự đã thống nhất, chưa thống nhất và yêu cầu các đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất và đưa ra kết luận về kết quả phiên họp.
Trích: Sổ tay Luật sư Tập 2 - Tập 2 - Kỹ năng hành nghề luật sư trong tố tụng hình sự, hành chính, dân sự