Hướng dẫn kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về "Tranh chấp hợp đồng tín dụng"

Chủ đề   RSS   
  • #582847 21/04/2022

    ChuTuocLS
    Top 150
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:25/07/2009
    Tổng số bài viết (581)
    Số điểm: 44833
    Cảm ơn: 54
    Được cảm ơn 1148 lần


    Hướng dẫn kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về "Tranh chấp hợp đồng tín dụng"

    Viện kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ban hành Hướng dẫn 25/HD-VKSTC năm 2022 về nội dung kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về "Tranh chấp hợp đồng tín dụng" , theo đó có một số nội dung cần chú ý như sau:

    Các vụ án kinh doanh, thương mại về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, có một số đặc trưng, đó là:
     
    (1) Về quan hệ tranh chấp: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” cũng là một dạng về tranh chấp hợp đồng và về bản chất cũng là quan hệ vay mượn, đa số có lãi giống như các hợp đồng vay tài sản thông thường, nhưng nhằm mục đích phục vụ sản xuất, kinh doanh (lợi nhuận). Bên cạnh HĐTD, thường kèm theo hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản, tín chấp, bảo lãnh... của chính người vay tiền hoặc bên thứ 3. Về hình thức, HĐTD và hợp đồng bảo đảm (phổ biến là hợp đồng thế chấp, cầm cố) được thể hiện thành văn bản, nội dung hợp đồng thường áp dụng theo mẫu của TCTD. Nội dung tranh chấp bao gồm việc thanh toán vốn, lãi suất, tiền phạt và xử lý tài sản bảo đảm.
     
    (2) Về chủ thể tranh chấp: Nguyên đơn khởi kiện thường là tổ chức tín dụng (bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân)1, các tổ chức này trong quá trình hoạt động đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua việc cấp vốn tín dụng và bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng.
     
    (3) Về pháp luật giải quyết tranh chấp: Do đặc điểm quan hệ tranh chấp nêu trên, nên pháp luật áp dụng giải quyết chủ yếu là Bộ luật Dân sự (BLDS), các luật chuyên ngành, như Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, pháp luật về giao dịch bảo đảm…
     
    (4) Về phương thức, thẩm quyền giải quyết chấp: Phương thức giải quyết tranh chấp bằng tố tụng Tòa án hoặc Trọng tài. Trên thực tế, đương sự thường lựa chọn phương thức tố tụng Tòa án để giải quyết. Trong phương thức Tòa án, đa số các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của TAND cấp huyện được quy định tại khoản 1 Điều 30 và khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2015.
     
    Một số lỗi  trong quá trình xét xử thường hay mắc phải:
     
    1. Xác định không đúng tư cách tố tụng của đương sự
     
    Đối với HĐTD do chi nhánh, phòng giao dịch của các TCTD xác lập, thực hiện với khách hàng, nhiều trường hợp Tòa án vẫn xác định chi nhánh, phòng giao dịch là đương sự trong vụ án. Trường hợp khác, đối với HĐTD do doanh nghiệp tư nhân vay vốn, khi tham gia tố tụng, có Tòa án vẫn xác định tên doanh nghiệp tư nhân hoặc xác định giám đốc doanh nghiệp do chủ doanh nghiệp tư nhân thuê để quản lý doanh nghiệp là đương sự.
     
    Ví dụ, vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” do TAND tỉnh TN giải quyết tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2012/QĐST-KDTM ngày 04/05/2012 xác định nguyên đơn là Ngân hàng N - Chi nhánh thành phố TN với bị đơn là Doanh nghiệp tư nhân sửa chữa ôtô HT (do ông Đào Ngọc X là chủ doanh nghiệp). Quyết định nêu trên đã bị hủy bởi Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao, một trong những nguyên nhân bị hủy là do Tòa án cấp sơ thẩm xác định không đúng tư cách đương sự của nguyên đơn và bị đơn2.
     
    Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Trong trường hợp nêu trên, phải xác định pháp nhân là đương sự căn cứ khoản 6 Điều 84 BLDS năm 2015: “Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện”, và phải xác định ông/ bà... chủ doanh nghiệp tư nhân ... tham gia tố tụng theo quy định tại khoản 1 Điều 183 Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp” (tương ứng khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp năm 2020).
     
    2. Bỏ sót vợ hoặc chồng tham gia tố tụng đối với trường hợp tài sản thế chấp đứng tên một người trong thời kỳ hôn nhân
     
    Nhiều trường hợp Tòa án chỉ căn cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và tài sản khác gắn liền với đất đứng tên một người vợ hoặc chồng thế chấp, nên chỉ đưa người này tham gia tố tụng mà không đưa người còn lại vào tham gia tố tụng dẫn đến những thiếu sót, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, vì liên quan nguồn gốc, công sức đóng góp hình thành tài sản, những thỏa thuận về tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Quá trình giải quyết vụ án không phát hiện thiếu sót này dẫn đến nhiều vụ án bị hủy ở cấp giám đốc thẩm.
     
    Ví dụ: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn Ngân hàng S với bị đơn Công ty Đ, người liên quan là bà Nguyễn Thị C, Nguyễn Thị T... Tại Bản án phúc thẩm số 10/2015/KDTM-PT ngày 20/8/2015 của TAND cấp cao quyết định: giữ nguyên bản án sơ thẩm buộc đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền 24.760.000.000đ, nếu không thanh toán được xử lý tài sản thế chấp, trong đó có nhà đất tại 477 Nguyễn Văn Cừ...
     
    Trong vụ án này, tài sản thế chấp (TSTC) là nhà đất tại 477 Nguyễn Văn Cừ, thành phố H, có nguồn gốc năm 1995 bà C mua có hợp đồng công chứng, nhưng chưa sang tên. Ngày 16/02/2001, bà C cùng chồng là ông Nguyễn Thiện C1 bán nhà đất 477 Nguyễn Văn Cừ này cho ông Nguyễn Văn Th với giá 1.200.000.000đ. Nhưng năm 2004, bà C tự làm thủ tục kê khai và được cấp GCN QSDĐ và thế chấp Ngân hàng S cho Công ty Đ vay tiền. Vụ án có liên quan đến ông C1, nhưng Tòa án chưa thu thập chứng cứ làm rõ quan hệ hôn nhân giữa ông C1 và bà C và quyền lợi của ông C1 đối với nhà 477 Nguyễn Văn Cừ; đồng thời hành vi dùng 1 tài sản thực hiện nhiều giao dịch là có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng Tòa án chưa làm rõ việc bà C có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không để xử lý hình sự, là không đúng3.
     
    Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Trường hợp tài sản đứng tên một người thời kỳ hôn nhân không chỉ xem xét nội dung GCNQSDĐ, mà còn phải căn cứ Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung vợ chồng, đặc biệt có trường hợp phải áp dụng Điều 15 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 (quy định: “Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”) và những quy định có liên quan để xem xét kỹ nguồn gốc hình thành tài sản, tài sản nhận chuyển nhượng hay được tặng cho, được thừa kế, nếu đứng tên riêng thì xem xét những thỏa thuận về tài sản riêng của vợ hoặc chồng; những tài liệu, chứng cứ kèm theo; trường hợp cần thiết phải xác minh hồ sơ cấp GCNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất để xem xét về nguồn gốc hình thành tài sản. Phải xem xét đưa chồng hoặc vợ (người không đứng tên trong GCNQSDĐ) vào tham gia tố tụng với tư cách đương sự để giải quyết triệt để, toàn diện vụ án.
     
    3. Bỏ sót thành viên hộ gia đình có quyền đối với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đứng tên “hộ gia đình”
     
    Có trường hợp Tòa án bỏ sót thành viên hộ gia đình tham gia tố tụng, dẫn đến không ít bản án, quyết định bị hủy sửa.
     
    Ví dụ: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng X với bị đơn là Công ty HQ. Theo GCNQSDĐ mà vợ chồng anh Cao Huy Q và Nguyễn Thị T thế chấp năm 2010 có tên sử dụng đất là hộ Cao Huy Q hoặc là hộ Cao Huy Q, Nguyễn Thị T để bảo đảm khoản vay cho Công ty HQ. Theo các Sổ hộ khẩu thể hiện ông Cao Huy H (cha ông Q) ở cùng vợ chồng anh Q cho đến năm 2012 mới tách hộ. Trong khi đó, các GCNQSDĐ đều được cấp năm 2004 và 2006. Tòa án không đưa thành viên hộ gia đình (ông H) tham gia tố tụng là thiếu sót4.
     
    Đối với những trường hợp này, KSV áp dụng khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất” và Điều 212 BLDS năm 2015 quy định về sở hữu chung của các thành viên gia đình, có những thành viên nào đủ từ 15 tuổi trở lên (Điều 109 BLDS năm 2005), người thành niên (Điều 212 BLDS năm 2015) để kiểm sát việc Tòa án xác định đầy đủ các thành viên có quyền về tài sản vào tham gia tố tụng nhằm xem xét, xử lý triệt để vụ án. Để xác định có bao nhiêu người trong hộ gia đình thực sự có quyền về tài sản, cần lưu ý không chỉ căn cứ vào nội dung GCNQSDĐ, sổ hộ khẩu, mà cần phải xác định rõ ai mới là thành viên của hộ thực sự có quyền về tài sản.
     
    hop-dong-tin-dung
     
    4. Đình chỉ giải quyết vụ án do doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bị giải thể không đúng
     
    Đối với doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, bị giải thể, nhiều trường hợp, Tòa án đình chỉ giải quyết vì cho rằng không đủ điều kiện thụ lý, giải quyết là không đúng, vì trường hợp này phải xác định cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng để tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
     
    Ví dụ, vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng X với bị đơn là ông Bạch Ngọc T, người liên quan là Công ty T. Trước đây, Công ty T nợ của Ngân hàng X số tiền gốc 120.656,66 USD nên bị khởi kiện. Quá trình giải quyết, TAND thành phố H xác định: ngày 09/10/2000, Công ty T bị thu hồi Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh nên đã ra Quyết định số 13/2016/QĐST-KDTM đình chỉ giải quyết vụ án với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện, Tòa án cấp phúc thẩm cũng giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng, vì Công ty T đã giải thể nên Ngân hàng X có quyền khởi kiện các thành viên của Công ty T trả nợ để tiếp tục giải quyết vụ án6.
     
    Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Trong trường hợp nêu trên, căn cứ quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 74 BLTTDS năm 2015: “Trường hợp tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì cá nhân, tổ chức là thành viên của tổ chức đó hoặc đại diện của họ tham gia tố tụng”, để yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án.
     
    5. Đình chỉ giải quyết vụ án hoặc trả lại đơn khởi kiện do bị đơn thay đổi địa chỉ không đúng
     
    Thực tế, không ít trường hợp sau khi vay được tài sản, bị đơn có dấu hiệu trốn nợ như thay đổi địa chỉ trụ sở, chi nhánh; hoặc doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không tiến hành thủ tục giải thể, không biết địa chỉ của người quản lý, đại diện theo pháp luật. Khi khởi kiện, TCTD ghi đúng địa chỉ bị đơn khi ký HĐTD, nhưng do không tống đạt cho đương sự được (do thay đổi địa chỉ), Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án hoặc trả lại đơn khởi kiện là không đúng quy định pháp luật.
     
    Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: BLTTDS năm 2015 và Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn một số quy định về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 BLTTDS (Nghị quyết 04/2017/NQ- HĐTP) quy định cụ thể hơn về việc giải quyết trong trường hợp bị đơn, người liên quan vắng mặt tại nơi cư trú. Tại điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS và khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP quy định: “Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền nghĩa vụ quan thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền nghĩa vụ liên quan”.
     
    Trường hợp bị đơn, người liên quan “cố tình giấu địa chỉ” thì KSV xem xét có dấu hiệu hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật hình sự), Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 Bộ luật hình sự) hay không để có định hướng tiếp tục giải quyết vụ án. Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì căn cứ điểm a, b, khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP kiểm sát việc Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án mà không đình chỉ hoặc trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp Tòa án không thể xác định được nơi cư trú của bị đơn và người liên quan thì Tòa án có thể thông qua thủ tục niêm yết để xét xử vắng mặt hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi có yêu cầu của các đương sự khác trong vụ án.
     
    6. Việc xác định thời hiệu khởi kiện
     
    Thực tiễn giải quyết tranh chấp HĐTD, việc xác định thời hiệu khởi kiện vụ án có còn hay không có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án đúng quy định.
     
    Vấn đề này, KSV lưu ý tính đặc thù về thời hiệu giải quyết loại án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” mặc dù Điều 429 BLDS năm 2015 quy định chung về “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 155 BLDS năm 2015 thì không áp dụng thời hiệu đối với “Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”, nên Tòa án vẫn thụ lý, giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” theo thủ tục chung7.
     
    7. Vi phạm trong việc phạt vi phạm và tính lãi
     
    7.1. Xác định việc phạt vi phạm không đúng
     
    Thực tế, trong nhiều HĐTD có quy định thêm điều khoản về phạt vi phạm đối với việc quá hạn của hợp đồng ngoài việc chuyển sang nợ quá hạn. Về bản chất, đây là khoản phạt quá hạn (thường bằng 150% lãi suất trong hạn); khi phát sinh tranh chấp, nhiều Tòa án căn cứ thỏa thuận tại HĐTD đã công nhận điều khoản này là không đúng.
     
    Ví dụ: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng S với bị đơn là Công ty Đ, người liên quan là bà Nguyễn Thị C, Nguyễn Thị T... theo HĐTD các bên thỏa thuận về lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn nhưng lại còn thỏa thuận về lãi phạt chậm trả (=150% lãi suất vay trong hạn) đối với số tiền lãi chưa thanh toán đúng hạn theo hợp đồng là lãi chồng lãi, phạt chồng phạt8.
     
    Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Hiện nay, chưa có quy định nào cho phép phạt nhiều lần về cùng vi phạm trong HĐTD. Điều 12 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm (Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP) quy định nguyên tắc “chỉ xử lý một lần đối mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn”. Do vậy, nếu các bên đã thỏa thuận về lãi suất quá hạn (thường bằng 150% lãi suất vay trong hạn), lại còn quy định thêm khoản phạt chậm trả hoặc lãi đối với lãi chậm trả là không đúng9.
     
    7.2. Vi phạm về việc không xác định lãi suất theo thỏa thuận và không áp dụng việc điều chỉnh lãi suất theo hợp đồng tín dụng
     
    Trong một số HĐTD, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, gồm: lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của TCTD. Tuy nhiên, đến thời điểm xét xử sơ thẩm, khách hàng vay chưa thanh toán, hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi, có trường hợp Tòa án tuyên: “Áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm thi hành án” và không điều chỉnh lãi suất vay theo thỏa thuận của các bên trong HĐTD là không đúng, dẫn đến nhiều bản án, quyết định bị hủy, sửa.
     
    Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Trường hợp này, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi nợ quá hạn theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong HĐTD cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên thỏa thuận việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của TCTD thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của TCTD10.
     
    7.3. Về căn cứ xác định cách tính khoản tiền lãi kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm
     
    Từ khi có Án lệ số 08/2016/AL ngày 17/10/2016 về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong HĐTD kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, nhiều Tòa án đã xác định các khoản tiền vay của các tổ chức tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo HĐTD tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì “kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục khoản lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này”.
     
    Tuy nhiên, đến khi ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP thì việc xác định mức lãi suất, thời điểm tính lãi suất và số tiền để tính lãi suất được hướng dẫn khái quát, đầy đủ hơn, cụ thể như sau: “Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015” (điểm a, khoản 1 Điều 13). Vì vậy, khi kiểm sát việc quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án đối với loại án về tranh chấp HĐTD, KSV cần chú ý áp dụng cho chính xác và đầy đủ văn bản pháp luật hướng dẫn về cách tuyên án này11.
     
    Ngoài ra, trường hợp khi kiểm sát thấy nguyên đơn (TCTD) chỉ cung cấp duy nhất một bảng tổng về lãi tính đến ngày xét xử; không có tài liệu giải trình việc tính lãi chi tiết trong hạn và quá hạn, nếu thấy việc tính lãi không hợp lý (thực tế có không ít vụ tính lãi quá cao, lãi chồng lãi, phạt chồng phạt), KSV xem xét đề nghị HĐXX tạm ngừng phiên tòa để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015.
     
    8. Không xem xét việc thẩm định tại chỗ tài sản thế chấp
     
    Không ít trường hợp, Tòa án không xem xét thẩm định tại chỗ, vì cho rằng không có ai yêu cầu, hoặc trường hợp vụ án bị hủy để xét xử lại thì Tòa án cho rằng giai đoạn xét xử trước đây đã xem xét thẩm định tại chỗ. Vi phạm này, dẫn đến bản án, quyết định bị hủy ở cấp giám đốc thẩm.
     
    Ví dụ: Công ty K vay của Ngân hàng C 20.000.000.000 đồng, tài sản bảo đảm là nhà đất đứng tên bà Nguyễn Xuân H tại thôn PM, xã MĐ, huyện TL, thành phố H. Do vi phạm nghĩa vụ thanh toán, Ngân hàng C khởi kiện yêu cầu Công ty K thanh toán tiền và xử lý TSTC. Quá trình giải quyết, tại Bản án phúc thẩm (lần 2) số 43/2017/KDTM-PT ngày 06/3/2017 của TAND cấp cao quyết định (tóm tắt): Trường hợp Công ty K không trả được nợ thì Ngân hàng C có quyền yêu cầu phát mãi nhà đất tại thôn PM, xã MĐ, huyện TL, thành phố H theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AA 242706 do UBND huyện TL cấp ngày 20/8/2004 cho bà Nguyễn Xuân H ngày 09/02/2012 để trả nợ cho Công ty K.
     
    Tuy nhiên, thực tế tài sản này không còn của bà Nguyễn Xuân H, do sau khi Bản án phúc thẩm (lần 1) số 168/2014/KDTM-PT ngày 17/9/2014 Tòa phúc thẩm buộc Ngân hàng C phải trả lại cho bà H GCN QSDĐ số AA 242706, bà H đã chuyển nhượng cho bà Th, bà Th tách nhiều thửa đất chuyển nhượng cho nhiều người. Đến khi xét xử phúc thẩm lại lần 2, Tòa án không xem xét thẩm định tại chỗ, xác định hiện trạng tài sản ai đang quản lý, sử dụng và cũng không xử lý hậu quả của việc thi hành án theo quy định tại khoản 5 Điều 313 BLTTDS năm 2015, nên đã bị cấp giám đốc thẩm hủy án để giải quyết lại phần TSTC12.
     
    Khi kiểm sát việc xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản bảo đảm, KSV cần kiểm sát chặt chẽ việc Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ TSTC theo Điều 101 BLTTDS năm 2015. Cụ thể là, việc xem xét, thẩm định tại chỗ của Tòa án có mô tả đúng, đầy đủ hiện trạng TSTC không? có đo vẽ, xác định chính xác cụ thể vị trí tài sản (trường hợp cần thiết phải có bản ảnh để quan sát tài sản trên thực tế); đồng thời xác định người có quyền đối với TSTC, hoặc ai đang quản lý, sử dụng TSTC và TSTC trên thực tế có khác gì so với tài sản thể hiện trên giấy tờ hay không để giải quyết vụ án một cách toàn diện, triệt để.
     
    Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Trường hợp Tòa án không tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ vì cho rằng không có ai yêu cầu, hoặc trường hợp khi vụ án bị hủy để xét xử lại Tòa án cho rằng giai đoạn xét xử trước đây đã xem xét thẩm định tại chỗ, thì KSV cần yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định lại tài sản, vì qua thời gian, tài sản có thể có những biến động, như có sự thay đổi về tài sản trên đất, người quản lý tài sản ...
     
    9. Việc tuyên hợp đồng thế chấp bị vô hiệu không đúng
     
    Thực tế, xảy ra nhiều trường hợp trên đất có nhiều loại tài sản mà có tài sản thuộc sở hữu của người sử dụng đất được thế chấp, có tài sản thuộc sở hữu của người khác. Khi giải quyết, một số Tòa án tuyên vô hiệu toàn bộ (hoặc vô hiệu một phần) hợp đồng thế chấp (HĐTC), trong khi HĐTC có nội dung và hình thức phù hợp với quy định pháp luật là không đúng.
     
    Ví dụ: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng A với bị đơn là Công ty B. Để đảm bảo cho khoản vay được giải ngân 3.066.191.933 đồng, ngày 11/6/2008, ông Trần Duyên H và bà Lưu Thị Minh N đã thế chấp nhà, đất tại tổ 28, phường E, quận G, thành phố H, gồm: diện tích đất ở 147,7m2, diện tích nhà ở 85m2, số tầng: 02+01, HĐTC được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm. Ngoài ra, thực tế còn có căn nhà 3,5 tầng do ông Trần Lưu H2 là con ông H và bà N xây dựng năm 2002 nhưng chưa đăng ký sở hữu, không đưa vào HĐTC. Trường hợp này, trên đất của nhiều tài sản gắn liền với đất, trong đó có tài sản thuộc quyền sở hữu của người thế chấp, có tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác, mà người thế chấp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của mình. Nội dung và hình thức của HĐTC phù hợp với quy định của pháp luật thì HĐTC có hiệu lực pháp luật. Nhưng quá trình giải quyết, Tòa án cấp phúc thẩm xác định HĐTC vô hiệu một phần hay vô hiệu toàn bộ (do thế chấp thiếu căn nhà 3,5 tầng) đều không đúng, nên đã bị cấp giám đốc thẩm hủy án để giải quyết lại phần TSTC 13.
     
    Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Khi xem xét đến hiệu lực của HĐTC, BLDS năm 2015 đã quy định mới 02 điều luật (Điều 325 về thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất, Điều 326 về thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất); đồng thời có quy định mới bảo vệ người thứ ba ngay tình (Điều 133), Công văn Giải đáp nghiệp vụ số 02/2021/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TAND tối cao (mục 1 phần III) và đã có 03 Án lệ liên quan đến hiệu lực của HĐTC14. Nhìn chung, trường hợp HĐTC được ký kết tự nguyện, được công chứng, chứng thực, tài sản đã được TCTD xem xét, thẩm định và đăng ký giao dịch bảo đảm đúng quy định, thì không vì những lý do như có tài sản phát sinh trên đất tranh chấp, giao dịch về tài sản trước đó bị vô hiệu để xác định vô hiệu, mà phải công nhận hiệu lực của HĐTC.
     
    10. Xác định việc thế chấp tài sản của bên thứ ba vô hiệu không đúng
     
    Có trường hợp tổ chức, cá nhân dùng tài sản của chính mình để bảo đảm nghĩa vụ vay của người khác. Tuy nhiên, một số cơ quan tố tụng lại cho rằng HĐTC đối với tài sản của bên thứ ba vô hiệu do nhận thức rằng thực chất đây là hợp đồng bảo lãnh, do đó các bên phải ký kết hợp đồng bảo lãnh chứ không phải HĐTC của bên thứ ba. Nhận thức khác còn cho rằng, việc bảo lãnh không chỉ định tài sản cụ thể làm tài sản bảo đảm, nếu có việc chỉ định này thì giao dịch trở thành giao dịch cầm cố hoặc thế chấp. Nhận thức này là không đúng với các quy định của BLDS.
     
    Khi kiểm sát trường hợp này cần lưu ý, một số TCTD đặt tên là “hợp đồng thế chấp” hoặc “hợp đồng thế chấp và bảo lãnh”, “hợp đồng thế chấp của người thứ ba”... đều mang tính hình thức, vấn đề quan trọng là nội dung thỏa thuận và khi có tranh chấp xảy ra, căn cứ khoản 1 Điều 335 BLDS năm 2015 quy định: Bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết bên có quyền thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ, nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ và khoản 3 Điều 336 BLDS năm 2015 quy định: “Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh”. Căn cứ các quy định trên thì những thỏa thuận xử lý tài sản của bên thứ ba phù hợp với quy định này vẫn có hiệu lực, không bị vô hiệu.
     
    11. Vi phạm do vượt quá phạm vi bảo đảm cho khoản tiền vay
     
    Một số trường hợp khi bên có TSTC giới hạn việc thế chấp để đảm bảo khoản vay trong phạm vi hạn mức số tiền vay nhất định. Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp, Tòa án không xem xét kỹ trường hợp này, mà áp dụng theo các hợp đồng thế chấp thông thường không bị giới hạn phạm vi thế chấp tài sản là không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
     
    Ví dụ: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân TT với bị đơn là Công ty MT, người liên quan là hộ bà Nguyễn Thị Bình M và ông Nguyễn Tống T. Ngày 14/6/2011, bà M ủy quyền cho ông T được quyền thế chấp một phần các thửa đất số 81, thửa 531, 508, 509, 563, tại phường LĐ, quận TĐ, thành phố H. Tuy nhiên, cùng ngày 14/6/2011, bà M, ông T còn ký Văn bản thỏa thuận có nội dung bà M chỉ ủy quyền cho ông T thế chấp trong phạm vi giá trị 10.000.000.000đ (mười tỷ đồng), song ông T lại thế chấp để bảo lãnh cho Công ty MT vay đến 43.801.409.000đ là vượt quá phạm vi ủy quyền. Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm quyết định phát mãi toàn bộ TSTC của bà M là không đúng15.
     
    Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Phải xem xét kỹ phạm vi bảo đảm đối với khoản tiền vay trong HĐTC cụ thể và trình bày của đương sự về phạm vi bảo đảm.
     
    12. Hủy toàn bộ bản án, quyết định không đúng
     
    Trường hợp khi giải quyết tranh chấp HĐTD gồm 2 phần, phần nợ vay và phần tài sản bảo đảm, Tòa án cấp dưới đã giải quyết đúng phần nợ vay, còn phần tài sản bảo đảm giải quyết chưa đúng. Nhưng khi Tòa án cấp trên giải quyết lại tuyên hủy toàn bộ bản án, quyết định là không đúng, dẫn đến vụ án bị hủy ở cấp giám đốc thẩm để giải quyết lại.
     
    Ví dụ: Vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân TV với bị đơn là Công ty ZT. Tại Bản án sơ thẩm số 04/2016/KDTM-ST ngày 26/12/2016, TAND tỉnh V đã tuyên:
     
    Buộc Công ty ZT phải trả cho Ngân hàng TV nợ gốc 697.564.464đ, nợ lãi: 489.464.431đ. Tổng cộng: 1.187.028.895đ. Công ty ZT còn phải chịu lãi theo hợp đồng tín dụng…
     
    Không chấp nhận yêu cầu được phát mãi tài sản thế chấp của hộ gia đình ông Nguyễn Xuân C. Tuyên bố Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số ... vô hiệu...
     
    Tại Bản án phúc thẩm số 311/2017/KDTM-PT ngày 25/10/2017 tuyên hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm số 04/2016/KDTM-ST ngày 26/12/2016 của TAND tỉnh V.
     
    Trong vụ án này, cấp sơ thẩm giải quyết đúng phần nợ gốc, lãi, chỉ sai phần xử lý TSTC, lẽ ra cấp phúc thẩm chỉ hủy phần này. Việc Bản án phúc thẩm hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm là không đúng16.
     
    Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Đa số tranh chấp HĐTD, thường Tòa án giải quyết 02 phần, phần tranh chấp khoản tiền vay (gồm gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn, các khoản phí) và phần xử lý tài sản bảo đảm. Đây là 2 phần độc lập không ảnh hưởng đến việc giải quyết, nên nếu chỉ giải quyết sai phần xử lý tài sản bảo đảm thì chỉ tuyên hủy một phần bản án, quyết định, không hủy toàn bộ bản án, quyết định. 

    13. Vụ án có dấu hiệu hình sự nhưng vẫn giải quyết theo tố tụng dân sự
     
    Trong không ít vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” có dấu hiệu hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175), Vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Điều 206). Chẳng hạn, hành vi của ông A đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông B, nhưng sau đó lại sử dụng tài sản này thế chấp vay ngân hàng; hoặc trường hợp giám đốc chi nhánh ngân hàng cấp tín dụng cho những trường hợp vượt quá thẩm quyền gây thiệt hại nghiêm trọng. Những trường hợp này, có Tòa án vẫn giữ lại để xử lý theo thủ tục tố tụng dân sự là “dân sự hóa hình sự”. Dẫn đến bản án, quyết định bị hủy sửa, như vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn Ngân hàng S với bị đơn Công ty Đ đã nêu ở mục 2 phần II của hướng dẫn này.
     
    Quá trình kiểm sát, KSV cần lưu ý: Trong vụ án về tín dụng có dấu hiệu hình sự như giả mạo giấy tờ, thế chấp nhiều nơi, cho vay không đúng qui trình... việc xử lý bằng thủ tục tố tụng dân sự là không bảo đảm, không đúng bản chất và áp dụng không đúng pháp luật, nên cần phải kiên quyết yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét, giải quyết theo đúng quy định.
     
     
    2293 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn ChuTuocLS vì bài viết hữu ích
    admin (21/04/2022)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #584190   22/05/2022

    Hướng dẫn kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại về "Tranh chấp hợp đồng tín dụng"

    Cảm ơn bạn vì bài viết mang đến thông tin rất hữu ích. Hiện nay việc kinh doanh thương mại ngày càng phát triển, do đó việc tranh chấp xảy ra ngày càng nhiều trong đó có tranh chấp hợp đồng tín dụng. Việc hiểu rõ cách giải quyết tranh chấp sẽ có lợi rất nhiều đối với các bên giao kết hợp đồng. 
     
     
    Báo quản trị |