Hiện nay, trong các loại giấy tờ của cá nhân như: chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy khai sinh,…. đều có mục ghi “nơi sinh” hoặc “quê quán”. Vậy khi ghi thông tin về “quê quán” và “nơi sinh” thì căn cứ giấy tờ nào để ghi cho đúng?
- Về quê quán:
Theo khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014 thì:
Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.
|
- Về nơi sinh:
Theo phụ lục hướng dẫn khai Tờ khai đăng ký khai sinh tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn ghi phần nơi sinh như sau:
Trường hợp sinh tại cơ sở y tế thì ghi rõ tên cơ sở y tế và địa danh hành chính
Ví dụ:
+ Bệnh viện Phụ sản, Hà Nội
+ Trạm y tế xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Trường hợp sinh ra ngoài cơ sở y tế thì ghi địa danh của 03 cấp hành chính (xã, huyện, tỉnh), nơi sinh ra.
Ví dụ: xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
|
Trường hợp có sự khác biệt giữa chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của một cá nhân về quê quán thì phải ghi theo nội dung tại “giấy khai sinh”, vấn đề này được ghi nhận cụ thể tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch như sau:
Điều 6. Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh
1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.
|
Như vậy, giấy khai sinh là giấy tờ gốc ghi nhận thông tin về nhân thân của một cá nhân, các giấy tờ sau nó cần điều chỉnh đều căn cứ vào giấy khai sinh được cấp đúng thẩm quyền. Theo đó, chúng ta nên ghi quê quán và nơi sinh theo giấy khai sinh là chuẩn xác nhất.