Trước diễn biến phức tạp của bão số 4 ( tên quốc tế là Noru) được biết đây là một trong những cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua, ngày 25/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện 855/CĐ-TTg yêu cầu các cơ quan và các địa phương liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chổ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Trong đó, bốn tại chổ là chỉ huy tại chổ; lực lượng tại chổ; phương tiện, vật tư tại chổ; hậu cần tại chổ. Theo tinh thần của Công điện 855/CĐ-TTg cần chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả và hạn chế thiệt hại do cơn bão Noru gây ra.
Ngay lúc này đây, người dân các tỉnh miền Trung đang khẩn trương, gấp rút thực hiện các biện pháp phòng chống bão.
Bài viết sẽ cung cấp một số biện pháp để giúp đỡ người dân trong công tác phòng chống bão số 4.
Theo đó, cần trang bị kiến thức, các kỹ năng cơ bản để chủ động phòng chống bão lụt, bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình. Sau đây là một số điều người dân cần lưu ý :
Trước khi bão xảy ra
- Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão. Cập nhật tình hình đường đi của bão Noru.
- Gia cố, chằng chống nhà cửa, kiểm tra sức chịu lực gió các cánh cửa: cửa chính, cửa sổ. Nếu các cánh cửa yếu, có thể dùng ván ép (có độ dày ít nhất 1,5cm) đóng bít lại để ngừa sức gió phá vỡ các cánh cửa sổ để luồn vào nhà. Kiểm tra mái nhà lợp bằng tôn, nếu chưa đủ độ chắc chắn, hãy dùng các bao cát chất lên nóc.
- Cắt tỉa cành cây, nếu xung quanh nhà có các cây lớn, hãy cắt tỉa gọn gàng các cành nhánh khô mục, dễ gãy để giảm nguy cơ gió quật ngã, cây bật gốc đè lên mái nhà.
- Kiểm tra các máng xối và ống thoát nước có bị nghẽn, vướng rác không để tránh nước mưa tích tụ lại trên mái nhà làm tăng áp lực có thể làm sụt mái, tràn nước vào nhà. Thông các cống rãnh để nước thoát nhanh.
- Xác định ví trí an toàn để trú ẩn; chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, vùng ven biển, cửa sông đề phòng nước dâng.
- Dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ để dùng ít nhất 7 ngày. Nếu không có lệnh sơ tán của chính quyền, hãy tìm nơi trú ẩn trong nhà cho gia đình mình (nơi an toàn nhất khi có bão là phòng bên trong không có cửa sổ).
- Gom các giấy tờ quan trọng cho vào một túi nylon chống nước, đề phòng khi nước lũ dâng cao ngập nhà làm hư hỏng các loại giấy tờ hồ sơ quan trọng.
- Kê cao các đồ vật trong nhà phòng nước ngập, lũ tràn về.
- Chuẩn bị sẵn một ít tiền mặt, bởi nhiều khi lúc bão các cây ATM không hoạt động.
- Các thành viên trong gia đình có thể bị chia cắt trong một cơn bão. Hãy chuẩn bị bằng cách lập một Kế hoạch liên lạc, tiếp cận với nhau. Thiết lập một liên hệ bên ngoài khu vực (chẳng hạn như người thân hoặc bạn bè trong gia đình), người có thể điều phối vị trí và thông tin của các thành viên gia đình nếu bạn tách ra.
- Chuẩn bị một bộ đồ dùng cho gia đình (đèn pin, đài radio, quần áo ấm, chăn, bộ sơ cứu, thuốc men, nước đóng chai và thực phẩm không dễ hư hỏng). Các gia đình có trẻ em nên để mỗi trẻ tự tạo gói đồ dùng cá nhân của mình.
Trong khi xảy ra bão
- Đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật… Không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ. Nên ở trong nhà, nơi trú ẩn, không đi ra ngoài, tránh xa cửa sổ và cửa ra vào.
- Tránh xa các cửa chính, cửa sổ bằng kính.
- Tránh sử dụng điện thoại, trừ trường hợp khẩn cấp.
- Nếu có yêu cầu từ cơ quan chức năng, hãy tắt nguồn điện chính.
- Thường xuyên mở radio, tivi để nghe những thông báo mới nhất về tình hình bão của cơ quan chức năng. Nếu có lệnh di tản, hãy lập tức làm theo hướng dẫn của các cơ quan này.
- Chuẩn bị sẵn đèn pin đề phòng mất điện, không sử dụng nến để thắp sáng để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas, vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Đề phòng lốc xoáy do bão gây ra; nên ở bên trong và ở trung tâm ngôi nhà hoặc tầng hầm.
- Nếu bạn được lệnh sơ tán, hãy mang theo các đồ dùng thiết yếu cho gia đình bạn và di chuyển ngay đến một nơi trú ẩn được chính quyền địa phương sắp xếp. Thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu nạn, cứu hộ.
Sau khi xảy ra bão
- Tiếp tục theo dõi tin tức và cập nhật tình hình thời tiết. Chú ý đến các yếu tố nguy hiểm như đường dây điện bị đứt và nước nhiễm điện, vì thông thường khi bão tan khả năng lũ lụt vẫn còn xảy ra.
- Không đến gần hoặc đi vào các tòa nhà đã bị hư hại, ngập nước, tuân thủ theo các biển cảnh báo khi lái xe, không đi vào đường bị ngập nước hoặc có chướng ngại vật (ngay cả với phương tiện lớn), vì phương tiện có thể bị nước cuốn trôi hoặc nguy hiểm.
Trên đây là một số kiến thức và các kỹ năng cơ bản để người dân chủ động phòng chống bão lụt. Mong sẽ giúp ích được cho bản thân và gia đình của bạn, hãy lưu ý nhé!