Chào bạn!
X và Y chưa ly hôn.
Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình quy định : “Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”. Điều này một lần nữa được nhấn mạnh và khẳng định tại Điều 10 Luật HNGĐ về những trường hợp bị cấm kết hôn.
Như vậy, việc X và Y chưa ly hôn mà X lại kết hôn với người khác là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và vi phạm điều cấm của pháp luật. Việc xác lập quan hệ vợ chồng của X và người phụ nữ khác đã vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định và đương nhiên bị coi là kết hôn trái pháp luật.
Những người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật được quy định tại Điều 15 Luật HNGĐ, bao gồm: (i) Bên bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật; (ii) Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật; (iii) Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật: Vợ, chồng, cha, mẹ, con của các bên kết hôn; Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ; (iv) Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật.
Đối chiếu với những quy định trên đây thì Y hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án hủy kết hôn trái pháp luật của X và người phụ nữ kia. Tòa án sẽ xem xét và sẽ quyết định việc hủy kết hôn trái pháp luật và gửi bản sao quyết định cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn đó. Căn cứ vào quyết định của Tòa án, cơ quan đã đăng ký kết hôn sẽ xóa đăng ký kết hôn của X và người phụ nữ kia trong sổ đăng ký kết hôn.