Hội nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
1. Hội viên Hội nhà báo Việt Nam là những người làm báo?
Theo Điều 8 Điều lệ Hội nhà báo Việt Nam kèm theo Quyết định 375/QĐ-TTg năm 2023 có quy định về hội viên Hội nhà báo Việt Nam bao gồm:
Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập theo quy định pháp luật, tán thành tôn chỉ, mục đích của Hội Nhà báo Việt Nam, tự nguyện xin vào Hội Nhà báo Việt Nam, được Hội Nhà báo Việt Nam xem xét, kết nạp (hội viên tổ chức); và
Người làm báo theo Điều lệ này là công dân Việt Nam hoạt động báo chí hoặc liên quan đến hoạt động báo chí theo quy định pháp luật, tán thành tôn chỉ, mục đích của Hội, tự nguyện xin vào Hội, chấp hành Điều lệ Hội và đáp ứng điều kiện và tiêu chuẩn sau có thể trở thành hội viên cá nhân của Hội Nhà báo Việt Nam:
(1) Đáp ứng 01 trong những điều kiện sau:
+ Tham gia vào quy trình sản xuất thông tin trong cơ quan báo chí, thông tấn (phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, quay phim, biên kịch phát thanh - truyền hình, phát thanh viên; họa sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên tòa soạn);
+ Làm công tác nghiên cứu, giảng dạy báo chí;
+ Cán bộ cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí;
+ Cán bộ chuyên trách tại cơ quan Hội Nhà báo Việt Nam và Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Liên chi hội nhà báo.
Các đối tượng tại (1) Điều này có thời gian công tác ở các cơ quan nói trên từ 02 năm trở lên. Trường hợp đặc biệt, do Ban Thường vụ Hội nhà báo Việt Nam xem xét, quyết định.
(2) Tiêu chuẩn
+ Có quan điểm, lập trường chính trị đúng đắn, lý lịch rõ ràng;
+ Không vi phạm Luật Báo chí, Quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam;
+ Trình độ học vấn: tốt nghiệp cao đẳng trở lên (trừ trường hợp hội viên đã được kết nạp trước khi Điều lệ này được ban hành). Trường hợp đặc biệt, do Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam xem xét, quyết định;
+ Hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, người làm báo.
Như vậy, Hội viên của Hội nhà báo Việt Nam không chỉ có những người làm báo tham gia Hội với tư cách cá nhân mà còn có thể là Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập theo quy định pháp luật tham gia Hội với tư cách là tổ chức (hội viên tổ chức).
2. Tham gia Hội nhà báo Việt Nam có phải đóng hội phí không?
08 nghĩa vụ của hội viên Hội nhà báo Việt Nam quy định tại Điều 10 Điều lệ Hội nhà báo Việt Nam kèm theo Quyết định 375/QĐ-TTg năm 2023:
+ Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
+ Chấp hành pháp luật, Điều lệ, Nghị quyết của Hội, Quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; hoàn thành các nhiệm vụ được giao; tích cực tham gia các hoạt động của Hội.
+ Hội viên sinh hoạt Hội theo Quy chế của Hội do Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam ban hành phù hợp với quy định pháp luật và Điều lệ này.
+ Đoàn kết, giúp đỡ hội viên và đồng nghiệp.
+ Bảo vệ uy tín của Hội, không được nhân danh Hội trong các quan hệ giao dịch, trừ khi được lãnh đạo Hội phân công bằng văn bản; không lạm dụng danh nghĩa hội viên để làm những việc trái pháp luật, Điều lệ Hội và các quy định khác của Hội; không tham gia các tổ chức trái quy định của pháp luật.
+ Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Hội.
+ Đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn theo quy định của Hội.
+ Thường xuyên rèn luyện, học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, kiến thức, phẩm chất và năng lực nghiệp vụ.
Nghĩa vụ thứ 07 là hội viên khi tham gia vào Hội phải có nghĩa vụ đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn theo quy định của Hội. Trường hợp hội viên không đóng hội phí từ 06 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng, thì các cấp Hội tiến hành thủ tục xóa tên trong danh sách hội viên và báo cáo Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam chuẩn y.