Về trường hợp của bạn mình xin phép được tư vấn như sau:
- Hành vi của anh A có bị coi là lừa đảo hay không?
Theo luật Hình sự năm 1999
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Điểm a Khoản 2 Điều 1 Luật số 37/2009/QH12 năm 2009 đã bổ sung sửa đổi luật hình sự năm 1999 về mức định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể là sửa đổi 500.000 thành 2.000.000 tại khoản 1 các điều 137, 138, 139, 143, 278, 279, 280, 283, 289, 290, 291
Như vậy, để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải đủ 4 yếu tố cấu thành sau:
Về khách quan, phải có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.
Về mặt chủ quan, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.
Khách thể là quyền sở hữu tài sản của người khác.
Chủ thể là bất cứ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Thủ đoạn gian dối thì muôn hình vạn trạng thủ đoạn, không nhất thiết là cứ phải đưa ra thông tin giả thì mới là lừa đảo. Hành vi giao dịch trực tiếp chỉ là thủ đoạn để tạo lòng tin nhằm chiếm đoạt tài sản. Chắc chắn đối tượng kia đã toan tính, mưu mô từ trước để lấy tài khoản của bạn. Tuy nhiên vì giá trị chưa được 2.000.000 nên chưa bị coi là có tội, nhưng nếu là lừa đảo của nhiều người, diễn ra thường xuyên thì hoàn toàn có thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp theo điểm b khoản 2 điều 139. Vì vậy bạn hãy tuyên truyền, cảnh báo cho những người quen của bạn để họ tránh các trường hợp tương tự.
- Có thể tố cáo hay không?
Nếu bạn đã có đầy đủ bằng chứng thì hoàn toàn có thể làm đơn tố cáo. Tuy nhiên do số tiền chiếm đoạt chưa đến 2.000.000 thì đối tượng kia chỉ phải hoàn trả số tiền cho bạn và sẽ bị phạt hành chính để cảnh cáo chứ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu bạn có căn cứ là đối tượng kia lừa đảo nhiều người hoặc nhiều người cùng tố cáo đối tượng kia thì đối tượng kia sẽ bị truy cứu theo điều 139.
- Chỉ biết chính xác họ tên, năm sinh và tỉnh nơi anh A sinh sống cộng số điện thoại anh A liên lạc với tôi thì có thể tìm ra anh A được không? Để biết chính xác hơn thì có thể thông qua nhà phát hành game, liệu có thể yêu cầu họ hợp tác cùng hay không?
Hoàn toàn có thể, bạn có thể về địa phương để tìm kiếm địa chỉ nhà đối tượng kia
- Nếu đúng anh A phạm tội thì người bị hại cần làm những gì, các bước như thế nào? Ra trình báo ở cơ quan nào khi không biết rõ địa chỉ của anh A? Có thể thong qua nhà phát hành game để lấy thong tin chi tiết của anh A?
Bạn nên làm đơn trình báo cơ quan điều tra nơi bạn sinh sống hoặc nơi đối tượng kia đang cư trú, trong đơn bạn hãy ghi rõ nội dung vụ việc và trình chứng cứ của vụ việc khi cơ quan điều tra yêu cầu.
Một số góp ý cho bạn. Trân trọng !
Nguyễn Quốc Phương