Vừa mới trả lời bạn eck123 trong mục tin nhắn, [ngỡ là bạn chưa tạo topic trên diễn đàn:)], giờ mình đưa lại quan điểm lên đây để mọi người cùng góp ý:
1. Về Bảo hiểm xã hội, mình đồng quan điểm với bạn maithuyphu;
2. Về Bảo hộ lao động:
Công việc độc hại, mặc định rằng đã thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (kèm theo Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18/9/2003 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH).
Điều 149 Bộ luật lao động 2012 quy định về Phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động như sau:
"1.Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại phải được Người sử dụng lao động trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và phải sử dụng trong quá trình làm việc theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.
2. Phương tiện bảo vệ cá nhân đạt tiêu chuẩn về chất lượng."
Bên cạnh đó, theo Khoản 3 Điều 50 BLLĐ 2012 (Hợp đồng lao động vô hiệu):
"Trường hợp 1 phần hoặc toàn bộ nội dung của Hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định trong pháp luật lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của hợp đồng lao động hạn chế các quyền khác của người lao động thì 1 phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu."
Như vậy, A rõ ràng cần được trang bị bảo hộ lao động phù hợp với công việc của mình theo quy định của PL, việc tự trang bị bảo hộ, về cơ bản, có thể được 2 bên thỏa thuận và nhất trí, tuy nhiên, việc thỏa thuận và nhất trí đó trên cơ sở Hợp đồng lao động phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Để chắc chắn hơn nữa, nên xem xét thêm:
(i) Công ty có Nội quy lao động không?
[Khoản 1 Điều 119 BLLĐ 2012 quy định "Người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có Nội quy lao động bằng văn bản."]
(ii) Nếu có Nội quy lao động thì Nội dung về bảo hộ lao động được quy định như thế nào về vấn đề trang bị thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động?
[Khoản 2 Điều 119 BLLĐ 2012 quy định: Nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:... c) An toàn lao động, vệ sinh lao động ở nơi làm việc...]
Như vậy, nếu A muốn tiếp tục làm việc mà không phải tự trang bị bảo hộ lao động thì có thể thỏa thuận lại với Công ty. Trường hợp Công ty không thỏa thuận lại thì A có thể khiếu nại đến Thanh tra lao động, TAND theo quy định tại Điều 51 BLLĐ 2012. Theo đó, nội dung vô hiệu này sẽ được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của pháp luật về lao động.
Bonus thêm:
PL cũng quy định việc xử phạt vi phạm quy định về trang thiết bị về an toàn lao động, vệ sinh lao động là: "Phạt tiền từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với Người sử dụng lao động...không thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động". (Tham khảo thêm Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo Hợp đồng).
---
Đôi lời
Cập nhật bởi hoada921 ngày 26/10/2013 08:51:05 SA
“Tôi không có sự thông minh đặc biệt nào, tôi chỉ tò mò một cách đam mê.”
_Albert Einstein_