Quy định pháp luật về những hành vi nghiêm cấm đối với đơn vị được kiểm toán và đơn vị kiểm toán? Hối lộ bao nhiêu thì bị xử phạt và mức xử phạt đối với hành vi đơn vị được kiểm toán mua chuộc đưa hối lộ đơn vị kiểm toán?
Các hành vi bị nghiêm cấm đối với đơn vị được kiểm toán và đơn vị kiểm toán
Căn cứ Khoản 1 Khoản 8 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên Kiểm toán nhà nước:
- Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán;
- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán;
- Đưa, nhận, môi giới hối lộ;
- Báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi;
- Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán;
- Tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán chưa được công bố chính thức.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán:
- Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;
- Cản trở công việc của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước;
- Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ, kịp thời hoặc thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;
- Mua chuộc, đưa hối lộ cho Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên Kiểm toán nhà nước;
- Che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công.
Tại Khoản 3 Điều 8 cũng quy định:
- Nghiêm cấm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước, cộng tác viên Kiểm toán nhà nước
Ngoài ra căn cứ tại Khoản 1 Điều 5 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước 2023 cũng quy định:
- Các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 của Luật Kiểm toán nhà nước.
Như vậy, căn cứ tại Điều 8 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 quy định pháp luật về những hành vị được nghiêm cấm đối với đơn vị được kiểm toán và đơn vị kiểm toán
Hối lộ bao nhiêu thì bị xử phạt và mức xử phạt đối với hành vi đơn vị được kiểm toán mua chuộc đưa hối lộ đơn vị kiểm toán?
Căn cứ Khoản 1 Điều 12 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước 2023 quy định:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua chuộc, hối lộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2.000.000 đồng cho Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán.
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH1 quy định mức xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân
Như vậy đơn vị được kiểm toán có hành vi hối lộ tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2.000.000 đồng cho Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân trong trường hợp tổ chức vi phạm những hành vi nêu trên sẽ bị xử phạt 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Pháp lệnh 04/2023/UBTVQH15 có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2023.