Đồng ý miễn học phí học kỳ I cho học sinh TP. HCM - Minh họa
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, UBND TP đã đồng ý với đề xuất miễn học phí học kỳ I năm học 2021-2022.
Đây là chính sách hỗ trợ cho phụ huynh và học sinh từ mầm non đến phổ thông. Để học sinh không phải đóng học phí học kỳ I, thành phố sẽ thực hiện cấp bù bằng ngân sách.
Đối với học phí các trường THPT ngoài công lập ở TP.HCM, ông Hiếu cho hay Sở GD-ĐT nhận được nhiều phản ánh về việc tăng học phí đầu năm học và đã có trao đổi trực tiếp với từng trường.
Kêu gọi trường ngoài công lập giảm chi phí
Theo quy định của Chính phủ, các trường ngoài công lập được xây dựng khung học phí và thoả thuận với phụ huynh học sinh. Sở chỉ kêu gọi các trường trong thời gian dịch bệnh giảm bớt các hoạt động thì giảm bớt chi phí cho phụ huynh.
“Sở có văn bản trao đổi với các trường để các trường không tăng học phí. Các trường đề xuất tăng 5-10% học phí là do dịch bệnh nhưng các trường vẫn phải xây dựng bài giảng trên internet đồng thời có chính sách giữa chân đội ngũ giáo viên. Các trường tăng học phí không vi phạm quy định, không sai về lý nhưng cần nghĩ đến cái tình. Việc tăng học phí trong thời buổi này không thể hiện sự chia sẻ với phụ huynh, những người đã gắn bó với mình nhiều năm” ông Hiếu nói.
Trước tình hình nhiều phụ huynh có con học ngoài công lập muốn chuyển qua trường công lập do điều kiện kinh tế khó khăn, ông Hiếu cho hay việc chuyển trường chỉ được thực hiện hai trường hợp. Đầu tiên là chuyển nơi ở mới và nơi ở mới không có trường ngoài công lập thì có thể xem xét vào công lập; hoặc học sinh chuyển tới nơi ở mới và có trường ngoài công lập nhưng không tương đương.
Đối với học sinh TP.HCM năm nay vào đại học, ông Hiếu cho hay trên địa bàn TP.HCM có hơn 50 trường ĐH, UBND thành phố thấy được khó khăn của các sinh viên, đặc biệt là năm đầu tiên nên đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT trong hội nghị tổng kết năm học 2020-2021. Các trường ĐH không trực thuộc quản lý của Sở GD-ĐT nhưng là đơn vị quản lý giáo dục, Sở đã tham mưu cho UBND, kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét và có kiến nghị các trường ĐH giảm học phí cho sinh viên, chia sẻ với khó khăn của người dân thành phố do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Sẽ có bài giảng trên truyền hình cho học sinh không có thiết bị học online
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, đối với các lớp đầu cấp, phụ huynh chỉ cần gọi điện thoại tới trường đăng ký học. Phụ huynh không phải đến trường, không phải làm thủ tục nhập học mà các trường sẽ sắp xếp lớp và liên lạc với phụ huynh.
Về những khó khăn khi học trực tuyến hiện nay, ông Hiếu chia sẻ kinh nghiệm của một hiệu trưởng tại Quận 1 là vận động các mạnh thường quân chia sẻ lại nếu dư điện thoại đã qua sử dụng, các laptop, ipad cũ…
“Các trường rất sẵn sàng nhận sự chia sẻ của các mạnh thường quân. Tôi rất mong các mạnh thường quân, những gia đình có điều kiện, nếu còn dư xin hãy chia sẻ với trường, các phụ huynh khó khăn để các em học trực tuyến. Trong trường học nào cũng có học sinh khó khăn cần hỗ trợ”- ông Hiếu kêu gọi.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng nhấn mạnh, nếu trong trường hợp phụ huynh không có bất kỳ phương tiện nào để học sinh học online, Sở GD-ĐT đã làm việc với các giáo viên có kinh nghiệm ghi hình các bài dạy và phát trên các video này truyền hình. Hàng ngày, phụ huynh có thể xem trên truyền hình để học bài với con.
Với những học sinh đang kẹt lại ở các tỉnh thì học tại nơi đang ở. Đồng thời, có thể theo dõi học internet với lớp cũ. Khi hết dịch phụ huynh đón học sinh lên TP.HCM, Sở GD-ĐT tiếp nhận kết quả học tập của các học sinh.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay việc xây dựng kế hoạch học online hết học kỳ I trong điều kiện phòng chống dịch dài hơi. Đến lúc này không thể biết được việc này sẽ diễn ra 1 hay 2 tháng nữa. Hiện 80% giáo viên đã được tiêm 1 mũi, 1 số giáo viên đã được tiêm 2 mũi. Sở GD-ĐT cũng đã phối hợp với Sở Y tế có kế hoạch tiêm vắc xin cho học sinh trên 12 tuổi. Nếu kiểm soát được dịch, giáo viên và học sinh đã tiêm vắc xin có thể trở lại trường học trực tiếp. Ngành giáo dục rất mong đợi sẽ kiểm soát được dịch để học sinh quay lại trường học.
Ông Hiếu thừa nhận, việc dạy trên internet đối với học sinh tiểu học sẽ rất khó khăn. Nếu lùi 1 tháng hay 2 tháng để học trực tiếp cũng không thể biết được, do vậy dạy học trên internet là giải pháp phải chấp nhận. Sở GD-ĐT đã có giải pháp khi học sinh đến trường bổ sung các giải pháp để đáp ứng mục tiêu giáo dục.
Về sách giáo khoa đầu năm học mới, các nhà xuất bản đã có giấy phép và sẽ giao đến tận các trường. Các trường học sẽ phối hợp với phường, khu phố để đưa sách tới tận nhà cho học sinh.
Minh Anh
Nguồn: Vietnamnet.