Trường phổ thông dân tộc bán trú là gì? Học sinh bán trú tại trường Phổ thông dân tộc bán trú được hưởng những chính sách hỗ trợ gì? Điều kiện như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
(1) Trường phổ thông dân tộc bán trú là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 116/2016/NĐ-CP có giải thích về trường phổ thông dân tộc bán trú như sau:
“1. Trường phổ thông dân tộc bán trú: Là trường phổ thông chuyên biệt được Nhà nước thành lập cho con em các dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn nhằm góp phần tạo nguồn đào tạo cán bộ cho các vùng này. Trường phổ thông dân tộc bán trú có số lượng học sinh bán trú theo quy định hiện hành.”
Đồng thời, tại Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 03/2023/TT-BGDĐT cũng có nêu rõ, hệ thống Trường Phổ thông dân tộc bán trú hiện nay bao gồm:
- Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học.
- Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở.
- Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở.
Theo đó, trường phổ thông dân tộc bán trú là loại trường là một loại hình trường học chuyên biệt được Nhà nước thành lập nhằm mục tiêu tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em học sinh thuộc dân tộc thiểu số, đặc biệt là những em sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
(2) Học sinh bán trú tại trường Phổ thông dân tộc bán trú được hưởng những chính sách hỗ trợ gì?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 116/2016/NĐ-CP có quy định về mức hỗ trợ trẻ em học bán trú tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú được quy định như sau:
- Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh;
Theo đó, với mức lương cơ sở hiện nay là 2.340.000 đồng thì 40% sẽ bằng 936.000 đồng trên một tháng với một trẻ
- Hỗ trợ tiền nhà ở: Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh;
(10% mức lương cơ sở sẽ bằng 234.000 đồng trên một tháng)
- Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh
Bên cạnh những chính sách dành cho học sinh thì Trường Phổ thông dân tộc bán trú như đã nêu trên thì khi tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh cũng được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/01 tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức.
Tuy nhiên, mỗi trường chỉ được hưởng không quá 05 lần định mức nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm.
(135% mức lương cơ sở = 2.340.000 x 135% = 3.159.000 đồng)
Ngoài ra, Trường Phổ thông dân tộc bán trú cũng được hỗ trợ các chính sách khác như đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị; hỗ trợ mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ, vật dụng; lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú,...
Theo đó, hiện nay, học sinh bán trú tại trường Phổ thông dân tộc bán trú được hưởng những chính sách hỗ trợ như đã nêu trên.
(3) Điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ bao gồm những gì?
Căn cứ Điều 4 Nghị định 116/2016/NĐ-CP có quy định về điều kiện học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ như sau:
- Đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở:
+ Là học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú.
+ Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Nhà ở xa trường Khoảng cách từ 4km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7km trở lên đối với học sinh THCS hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá;
+ Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi đang học tại các trường tiểu học, THCS thuộc xã khu vực II vùng dân tộc và miền núi. Nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn cụ thể như đã nêu trên.
- Đối với học sinh THPT là người dân tộc thiểu số:
+ Đang học tại trường THPT hoặc cấp THPT tại trường phổ thông có nhiều cấp học.
+ Bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Nhà ở xa trường Khoảng cách từ 10km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá.
Trường hợp là học sinh THPT là người dân tộc Kinh, ngoài các Điều kiện nêu trên còn phải là nhân khẩu trong gia đình thuộc hộ nghèo.
Theo đó, hiện học sinh sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ khi đáp ứng được những điều kiện như đã nêu trên.